Menu Đóng

Xưa rồi lời thề Hippocrates !!

“Tôi sẽ chọn lựa những liệu pháp điều trị có lợi cho bệnh nhân dựa vào khả năng và sự phán đoán của tôi, nhất định tránh xa mọi phương thức gây hại cho bệnh nhân”

(trích Lời thề Hippocrates)

Gốc rễ của y học phương Tây bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, nơi mà Hippocrates và những đồ đệ đã tạo ra nền y học kinh nghiệm (empirical medicine) dựa trên những mặc định về luân lý hay lời hứa đạo đức. Ngày nay, nhiều bác sĩ vẫn xem lời thề Hippocrates là kim chỉ nam trong công việc thường nhật mặc dù bối cảnh lịch sử của nó hiếm khi được bàn đến. Nhiều nhà luân lý học y khoa hiện đại nhìn nhận rằng mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân thời đó là gia trưởng vì mọi thứ được định đoạt bởi các bác sĩ. Dù với niềm tin là họ sẽ làm điều tốt nhất cho người bệnh, đạo đức ở lời thề Hippocrates xem bệnh nhân như trẻ con, như nạn nhân yếu ớt, không có khả năng suy luận và quyết định.

Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ 20 đã có một xu hướng bảo vệ cho quyền của bệnh nhân, bao gồm cả quyền được biết những việc bác sĩ định làm và tại sao. Đây là bản chất của khái niệm “Informed consent”, xin tạm dịch là đồng ý sau khi được giải thích. Vì sao lại có sự chuyển biến đó?

Thế kỷ 20 chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của y học, với sự khám phá ra nhiều loại kháng sinh và vắc-xin chống lại bệnh truyền nhiễm, sự ra đời của máy hô hấp nhân tạo, tuần hoàn nhân tạo cũng như nhiều thành tựu khác. Những tiến bộ này đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm. Nhưng quan trọng hơn, nên nhớ rằng y học ĐÃ “tiến bộ” trên xương máu và thậm chí là mạng sống của rất nhiều người vô tội!

Bạn có thể hoài nghi về sự thật này, nhưng nhiều kiến thức cơ bản trong sách y khoa đã được viết nên từ kết quả các thí nghiệm trực tiếp trên người, thực hiện bởi những bác sĩ Đức Quốc Xã. Họ đã cưỡng chế, ép buộc những tù nhân, những bệnh nhân tâm thần tham gia thử nghiệm với tiêu chí “vì sự tiến bộ của nhân loại” (thực ra là của một bộ phận nhân loại được tin là ưu việt hơn).

Ngay cả Mỹ, sau khi “cầm đầu” quá trình lên án những hành động vô đạo đức này tại tòa án quốc tế Nuremberg (1948), vẫn không ngăn ngừa việc tương tự xảy ra trên nước mình. Từ năm 1930 đến 1960, đã có hàng trăm vụ thử nghiệm phi luân lý tại Mỹ, từ việc gây bệnh lao, lậu, giang mai… đến các phẫu thuật ghép tinh hoàn người và cả tinh hoàn động vật (!) trên người các tù nhân, các nhóm người da đen và người yếu thế khác. Những thử nghiệm này đã được tiến hành mà không hề báo trước cho bệnh nhân, không cần sự đồng ý hay tự nguyện của họ. Như vậy, một bộ phận bác sĩ đã vì những cám dỗ và mục đích cá nhân mà xem nhẹ quyền lợi của bệnh nhân.

Một tiến bộ quan trọng khác đã đặt dấu chấm hỏi lớn cho vai trò “làm cha mẹ” của bác sĩ. Sự ra đời của máy hô hấp nhân tạo và dụng cụ hỗ trợ tuần hoàn đã kéo dài thời gian sống của nhiều bệnh nhân cho đến khi… tắt máy! Tiếp tục hi vọng hay ngừng điều trị? Chọn lựa nào là tốt nhất cho bệnh nhân? Và ai có thể thay bệnh nhân đưa ra quyết định liên quan đến sống-chết này?

Song song với những sự kiện này, phong trào dân chủ rầm rộ đòi quyền công dân, quyền phụ nữ và quyền của người tiêu dùng những năm 60 đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ bác sĩ-bệnh nhân. Bệnh nhân dần dần được tôn trọng như là một chủ thể của quá trình điều trị trong đó mọi chuyện đều phải do bệnh nhân quyết định sau khi hiểu rõ thông tin chính xác, trung thực và khách quan, được cung cấp bởi bác sĩ cũng như từ các nguồn khác.

Informed consent_Đồng ý sau khi được giải thích_ là sự tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân bao gồm quá trình thông tin và quá trình đồng ý. Quá trình thông tin đề cập đến việc nói rõ TOÀN BỘ những vấn đề quan trọng liên quan đến chẩn đoán, điều trị, các biến chứng (kèm xác suất xảy ra) và cách xử trí tương ứng. Bác sĩ phải giải thích bằng ngôn ngữ sao cho bệnh nhân hiểu trước khi đồng ý một cách tự nguyện (quá trình đồng ý). Trong mọi trường hợp, sự tương tác này phải được chứng thực bằng giấy tờ cụ thể cho từng nội dung trao đổi, chứng tỏ bệnh nhân đã đồng ý sau khi hiểu rõ toàn bộ quy trình điều trị.

Như vậy, kim chỉ nam của bác sĩ không còn nằm ở lời thề Hippocrates xưa cũ mà đang hướng về sự hài lòng của bệnh nhân, ngay trước mặt bạn.

Phạm Nguyễn Quý (Tokyo, 12/12/2011)

Bài liên quan