Menu Đóng

Tinh trùng : hàng độc mua bán lạ!

Đã gọi là mua bán thì phải có hàng hóa. Nhưng món hàng này nghe thật lạ và những cuộc mua bán, thương thảo cũng lạ lùng không kém. Đó là mua bán tinh trùng.

Cũng mua “hàng” trên mạng

Vào những ngày cuối năm ngoái, tôi có người bạn là Việt kiều Đức cùng chồng về nước tới thăm. Vy – cô bạn gái của tôi năm nay cũng đã khá lớn tuổi – 42. Người chồng hơn cô gần 10 tuổi. Chuyện trò vòng vòng một hồi, cô bạn mới thổ lộ mục đích chính của chuyến về nước sau gần 20 năm xa Tổ quốc.

Hóa ra vì nhiều năm sống nước ngoài, chật vật với cuộc mưu sinh là một công ty dạy lái xe, một nhà hàng thức ăn nhanh nho nhỏ, cả hai vợ chồng đều trì hoãn việc sinh con. Đến năm cô vợ 38 tuổi, cuộc sống đã dư dả thoải mái hơn họ quyết định có em bé. Thế nhưng cố gắng mãi, suốt bốn năm trời qua, ước mơ về một đứa con mãi không thành hiện thực, mà tuổi của cô vợ ngày càng cao, càng tiến đến cái mức mà bác sĩ khuyên là không nên có em bé nữa.

Nỗi lo lắng của những cặp vợ chồng hiếm muộn càng ngày càng dày: “Hết đến 1/4 số tài sản lao động hơn hai chục năm trời vào chuyện chữa chạy ở bên đó rồi. Bây giờ mọi người khuyên chúng tôi về Việt Nam xem sao. Nghe nói các bác sĩ ở Việt Nam “khéo tay”, mà chi phí y tế ở đây cũng rẻ hơn”.

Nhưng vấn đề của cặp vợ chồng không chỉ nằm ở chuyện rẻ hay đắt của việc chữa chạy. Nó nằm ở thông báo cuối cùng của bác sĩ: tinh trùng của người chồng đã quá ít và quá yếu, khả năng thụ thai được gần như rất thấp. Biết tôi có bà chị là bác sĩ sản khoa, cô bạn gái liền cùng chồng chạy đến nhờ giúp đỡ: “Chị ơi, có cách nào kiếm xin tinh trùng nhanh để tụi em có thể rút ngắn thời gian ở Việt Nam không? Bệnh viện nói tụi em cần có người hiến tặng tinh trùng, thì mới có thể thụ tinh. Mà quan hệ của tụi em ở đây thì ít quá, lại lờ mờ, mới vừa rồi đã bị lừa hết cả đống tiền rồi đó…”

Thì ra, vì muốn được kín đáo, không ai biết, hai vợ chồng nghe mọi người mách nước đã vào mạng tìm người bán tinh trùng. “Trên mạng thì vô số lời rao chị à. Để cho chắc ăn, em liên lạc với mấy lời rao của những người khoe có bằng cấp đại học, thậm chí có người còn là thạc sĩ gì đó. Gửi mail, gọi điện, cũng phải đến hàng chục lần mới gặp được. Gặp rồi sao thấy không có vẻ gì là… tri thức như người ta giới thiệu.

Có người em vừa hỏi đến bằng cấp là chuồn mất, thậm chí có ông còn nổi nóng với em. Còn có người thì vòi tiền liên tục, hết tiền bồi bổ sức khỏe, đến tiền làm xét nghiệm, tiền này tiền kia. Nhưng quan trọng nhất là em không hiểu sao, khi em yêu cầu đến bệnh viện để khám sức khỏe và làm các loại xét nghiệm thì lại chối đây đẩy. Họ bảo vào bệnh viện, thủ tục phiền hà, lích kích, mà chưa chắc bác sĩ làm ăn có trách nhiệm. Sao không ra mấy phòng bác sĩ sản khoa bên ngoài làm thử, đơn giản, dẽ dàng mà lại được phục vụ chu đáo tận tình hơn.

Có ông còn buột miệng: “Tôi cho chỗ đó mấy lần rồi”. Nghe đến vậy em lạnh gáy: “Anh cho thường thế, lỡ sau này những đứa trẻ đó ra đời gặp nhau, yêu nhau rồi kết hôn thì sao?”. Anh ta nhơn nhơn bảo em: “Trời đất, chị nghĩ xem xác suất gặp nhau là bao nhiêu? Có người tôi bán sống tuốt Hà Nội, Hải Phòng, có người Cần Thơ, Sóc Trăng, làm sao mà gặp nhau. Nhất là anh chị, Việt Kiều, làm xong thì dông về bên đó, con anh chị làm sao gặp lại anh chị em mình nữa cơ chứ?”. Nhìn anh ta ngồi nói xơi xơi, miệng leo lẻo như bán rau ngòai chợ, em ghê quá nên… lờ lờ rồi thôi luôn. Thế mà mấy ngày sau anh ta cứ gọi và kiếm mãi. Còn nói nếu không muốn anh ta, anh ta giới thiệu người khác cho…”

Cũng hàng nào giá đó

Nghe câu chuyện cô bạn, tôi thật không biết nên cười hay nên mếu. Chuyện đi tìm để có một đứa con sao nghe như chuyện… chợ trời. Trăm nghe không bằng mắt thấy, máu nghề nghiệp của nhà báo nổi lên, tôi rủ một anh bạn làm chuyến thực tế.

Đến phòng hiếm muộn của một bệnh viện lớn, làm bộ buồn bã, lo lắng, thầm thì to nhỏ với nhau, rồi ra về… như các cặp vợ chồng đang tìm con khác, thế nhưng phải đến lần thứ ba, “cá” của chúng tôi mới cắn câu. Một người đàn ông, chẳng biết theo dõi tụi tôi từ lúc nào mà xuất hiện không phải trong bệnh viện hay cổng bệnh viện như chúng tôi chờ đợi, mà tuốt ngoài đường phố, khi chúng tôi đã lấy xe ra. Người đàn ông hỏi vẻ quan trọng: “Hình như anh chị đang có vấn đề chuyện con cái, anh chị có nhu cầu gì, cứ nói tôi giúp cho”.

Mừng như bắt được vàng mà cứ phải giả vờ nghi ngại, chúng tôi ngập ngừng tỏ vẻ không tin. Người đàn ông nói: “Nói thực, cái này là nghề làm ăn của tôi. Nên chẳng dại gì lừa người ta. Anh chị tin và cần thì đi theo tôi”.

Có cầu là có cung

Chúng tôi chạy xe theo anh ta, vào một quán cà phê gần bệnh viện. Vừa ngồi xuống, anh ta đã hỏi ngay: “Vấn đề của anh chị là gì? Anh chị cần trứng hay cần tinh trùng?”. Khi nghe chúng tôi trình bày “vấn đề” của mình, anh ta nói ngay: “Thời gian vừa rồi, báo chị viết chuyện mua bán tinh trùng này nhiều quá, nên chúng tôi phải hết sức cẩn thận và làm việc cho đúng lương tâm(?) Chuyện cấm, chuyện chưa cho phép là của Nhà nước, chứ nhu cầu là có thật, khó khăn của những người như anh chị là có thật, nên chúng tôi làm sao vừa có thể kiếm tiền, vừa giúp đỡ được những người như anh chị, để không ai phiền lòng mà lôi thôi về sau.

Bây giờ tôi hỏi thât, các anh chị muốn người cỡ bao nhiêu tuổi, trình độ cao hay thấp thì cứ nói, có gì tôi hỏi bạn bè giúp cho. Gía cả cũng tùy vào cả độ tuổi, trình độ người bán đấy. Người bán cũng là người gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, cần tiền nuôi con, chữa bệnh cho cha mẹ, chứ không ai làm cái việc này thường xuyên, liên tục được đâu. Cho nên, giá cả cũng hơi cao. Nhất là người bán lần đầu, giá đến 12 triệu, còn người đã bán vài lần, chỉ 7-8 triệu thôi. Tất nhiên, chi phí hoàn toàn anh chị chịu, ngoài khoản tiền mua đó”.

Tôi vội hỏi: “Làm sao biết được cho lần đầu hay cho lần hai ba?”. “Anh chị cứ vào bệnh viện là biết liền. Ai cho, bán đều có lưu giấy tờ, số CMND… hết. Vào lần hai là họ biết liền, họ từ chối ngay. Nên nếu mua của người bán lần hai, tốt nhất anh chị nên vào phòng khám tư. Còn lần đầu thì thoải mái vào bệnh viện, kiểm tra sức khỏe, làm tinh dịch đồ đàng hoàng. Mắc một chút mà anh chị yên tâm. Mà tiền, chúng tôi cũng không lấy một lần. Làm đến đâu, lấy tiền đến đó, gọi là bồi dưỡng thôi. Chừng nào “đậu” thai chúng tôi mới lấy trọn tiền còn lại. Anh chị muốn xem mặt người ta, chúng tôi gọi đến đây cho coi liền”.

Biết đến thế là đủ, chúng tôi vờ bạn bạc với nhau rồi nói với người đàn ông: “Để vợ chồng suy nghĩ tính lại và tìm trong người quen đã, nếu không thể mới nhờ đến anh. Anh cứ cho chúng tôi số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại khi cần”. Nhìn thái độ của chúng tôi, người đàn ông có vẻ bực mình: “Thôi khỏi số điện thoại, anh chị không quyết định được bây giờ thì thôi” rồi hầm hầm bỏ đi.

Vẫn còn nhiều trăn trở

“Chuyện mua bán tinh trùng xung quanh bệnh viện thì chúng tôi không rành lắm. Thời gian vừa qua, cũng có nghe báo chí phản ánh nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng chuyện này chủ yếu là diễn ra bên ngoài và thực hiện ở các phòng khám, vì nếu chỉ là bơm tinh trùng thì cũng đơn giản, bác sĩ phòng khám làm được. Còn bệnh viện chúng tôi làm chặt chẽ, hồ sơ kiểm tra đầy đủ, đã là bán thì phải lui tới nhiều lần, chúng tôi sẽ phát hiện và từ chối ngay”. Đó là lời của bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ.

Nói chuyện với phóng viện, chị cũng nêu lên nỗi trăn trở của mình: “Quả thực gọi là ngân hàng tinh trùng nhưng được mấy mẫu mà nhu cầu của người hiếm muộn thì nhiều. Thế nên chúng tôi phải cho ra quy định là người muốn được thụ tinh phải đưa đến một người hiến tinh trùng vào chỗ trống đó. Quy định là một người nhận và người cho phải không quen biết nhau, nên một mẫu có sẵn trong ngân hàng sẽ được sử dụng cho bệnh nhân, còn mẫu do bệnh nhân đưa đến sẽ thành mẫu dự trữ tiếp theo.

Nếu không làm cách này, quả thật chúng tôi sẽ không có nguồn dự trữ trong ngân hàng. Đây là vấn đề lo lắng lớn của chúng tôi, nhưng chưa tìm ra hướng vận động người tình nguyện. Có quá nhiều rào cản về tâm lý khiến nhiều người đàn ông không muốn làm việc này!”.

Quy định là như thế, nhưng cũng có không hiếm trường hợp khiến các bác sĩ phải phá luật. “Có một phụ nữ muốn có con đến với chúng tôi. Cô ấy chưa có gia đình, nhưng tuổi khá lớn và muốn có con. Sau khi biết quy định của bệnh viện, cô ấy về, chạy vạy mãi mà không tìm được người cho. Cuối cùng, đến mấy năm sau, tìm được người, quay trở lại thì buồng trứng của cô ấy gặp vấn đề do lớn tuổi, không còn họat động tốt nữa. Nhìn cô ấy khóc, chúng tôi thật đau lòng.

Sau trường hợp đó, chúng tôi có linh động giải quyết cho một vài ca thực sự khó khăn, nhưng cũng không thể nhiều. Cho nên giờ đây, vấn đề chúng tôi phải suy nghĩ và đang tìm hướng giải quyết là làm sao tìm được những người tình nguyện đủ tiêu chuẩn”. – Bác sĩ Diễm Tuyết cho biết thêm.

Theo tạp chí Đàn Ông

Bài liên quan