Một nghiên cứu mới vừa xem xét những ảnh hưởng của việc mang thai và sinh con lên nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở giai đoạn hậu mãn kinh của người phụ nữ.
Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 316.000 phụ nữ tử vong vì bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. 2/3 trong số đó chết một cách đột ngột không có triệu chứng gì trước đó, có lẽ do phụ nữ đã có sẵn những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn liên quan của bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. Những yếu tố nguy cơ chuyên biệt dành cho phụ nữ này rất cần được nghiên cứu và tìm ra.
Mặc dù những nghiên cứu về tác động của việc sinh con lên nguy cơ tim mạch đưa ra những kết quả khác nhau, các nhà nghiên cứu vẫn đồng thuận rằng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, bệnh tim và nhồi máu cơ tim có liên quan trực tiếp tới việc sinh con. Kết quả của những nghiên cứu về nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng có nhiều khác biệt – một số cho thấy nguy cơ này tăng trong khi số khác lại cho thấy nguy cơ có giảm. Một nghiên cứu ở những phụ nữ trên 50 tuổi đã chỉ ra rằng việc sinh con có tác động bảo vệ tim mạch mạnh mẽ – chưa có nghiên cứu nào xem xét tác động của tiền căn sản khoa ở những phụ nữ lớn tuổi hơn.
Những nhà nghiên cứu ở San Diego, California, Hoa Kì gần đây đã xem xét những ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh con lên tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và do tất cả những nguyên nhân khác ở những phụ nữ hậu mãn kinh. 1294 phụ nữ (tuổi từ 50-96, trung bình là 72 tuổi) tham gia nghiên cứu này đã từng đi khám bệnh trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 1987 và được ghi nhận lại bệnh án. Họ được theo dõi tới cuối năm 2007, với thời gian theo dõi trung bình là 19,3 năm.
Trong đoàn hệ nghiên cứu, số lần mang thai của người phụ nữ thay đổi từ 0 đến 13, số trẻ sinh sống từ 0 đến 11. Trong số những người phụ nữ này, khoảng 78% từng mang thai ít nhất một lần và 68,6% được báo cáo là có ít nhất một đứa con.
Trong suốt thời gian theo dõi, 54,6% số phụ nữ tham gia nghiên cứu tử vong, trong đó 46,5 chết vì bệnh tim mạch (20,5% vì bệnh mạch vành và 26,0% vì bệnh tim mạch khác không phải bệnh mạch vành). Sau khi điều chỉnh những yếu tố như tuổi, chỉ số khối cơ thể BMI, lượng HDL-Cholesterol, kết quả có được là những phụ nữ từng mang thai ít nhất 4 lần có nguy cơ tử vong vì bệnh mạch vành thấp hơn (HR 0,63, 95% CI 0,40-0,99) và đặc biệt là ít bị bệnh tim mạch khác hơn nhiều (HR 0,48, 95% CI 0,26-0,91) so với những phụ nữ chưa từng mang thai.
Không rút ra được kết luận đặc biệt nào liên quan đến tỷ lệ tử vong của tất cả nguyên nhân nói chung cũng như không có được kết quả tác động của việc sinh con lên các tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, những phụ nữ mang thai ít hơn 4 lần cũng không làm giảm đi đáng kể nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.
Các tác giả đưa ra một số giả thiết để giải thích cho những kết quả nghiên cứu của họ. Trước thời kì mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ bệnh tim mạch thấp hơn nam giới ở cùng độ tuổi. Khi đến tuổi hậu mãn kinh, sự khác biệt này giữa 2 giới mất đi. Người ta nghĩ rằng có sự thay đổi là do tình trạng giảm lượng estrogen, hormone bảo vệ tim mạch, trong cơ thể.
Những nhà nghiên cứu cho rằng tác động bảo vệ tim mạch ở những phụ nữ mang thai nhiều lần có được là do estrogen lưu hành trong cơ thể ở nồng độ cao hơn và thời gian dài hơn. Họ cũng ngạc nhiên khi thấy nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch không phải bệnh mạch vành giảm nhiều hơn so với tử vong vì bệnh mạch vành và từ đó đưa ra nhận định: “Điều này có thể liên quan đến sự gia tăng hoạt động nội mô trong những thai kì bình thường với kết quả là lượng Nitric Oxide sinh học có sẵn nhiều hơn”. Sự gia tăng hoạt động nội mô này dường như còn tồn tại ở mức độ nào đó sau thai kỳ. Những yếu tố xã hội cũng được tính đến, ví dụ như sự ủng hộ tinh thần có được khi ở trong một gia đình đông người. Bên cạnh đó, việc mang thai nhiều lần có thể phản ánh phần nào hiệu quả tích cực của sự chăm sóc sức khỏe cộng đồng và vì thế nguy cơ bị bệnh tim mạch thấp hơn.
Để tóm tắt những kết quả đạt được, các tác giả nói : “Nhìn chung, những người phụ nữ trong nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn nếu họ mang thai từ 4 lần trở lên, đặc biệt là thấp nhiều ở tỷ lệ của bệnh tim mạch không phải bệnh mạch vành.”
Nguồn : Jacobs MB, et al. Fertil Steril 2012;97:118-24
www.ORGYN.com
BS. Dương Khuê Nghi