Có hai loại xét nghiệm để kiểm tra có thai là xét nghiệm mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu. Cả hai xét nghiệm này đều dựa trên việc phát hiện sự hiện diện của một nội tiết tố (còn gọi là hormone) là hCG (Human Chorionic Gonadotropin).
Hormone này được sản xuất ở nhau thai sau khi phôi bám vào nội mạc tử cung và được sản sinh nhanh chóng trong cơ thể vào những ngày đầu tiên của thai kì. Các hormone thay đổi nhanh chóng gây nên phần lớn các triệu chứng trong khi mang thai.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại phòng khám. Bạn có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên kết quả mang lại sẽ chính xác hơn nếu bạn thử vào buổi sáng. Thời gian cho kết quả của mỗi xét nghiệm là khác nhau, tùy thuộc vào loại que thử thai mà bạn sử dụng. Bạn sẽ phải tìm sự thay đổi trong màu sắc, một đường kẻ hoặc một ký hiệu (dương tính hay âm tính). Tất cả các xét nghiệm đều đi kèm với hướng dẫn, điều quan trọng là bạn phải làm theo các hướng dẫn để có được kết quả chính xác.
Với que thử thai nhanh quick stick, thường được thực hiện theo các bước sau:
- Cho nước tiểu vào lọ.
- Lấy que thử thai và cầm theo hướng mũi tên chỉ xuống.
- Đặt que thử vào lọ, tránh để nước tiểu ngập quá mũi tên rồi đợi đọc kết quả.
Sau khoảng 5 phút, nếu có 2 vạch ngang trên que thử thì chứng tỏ kết quả dương tính, báo hiệu bạn đã có thai. Ngược lại, kết quả âm tính sẽ xuất hiện khi chỉ có một vạch ngang trên que thử, cho thấy bạn không có thai. Nếu không thấy có vạch nào, có thể que thử bị hư hỏng hoặc nước tiểu không đảm bảo thì bạn nên thử lại vào một lần khác.
Phần lớn bác sĩ đều khuyên bạn nên xét nghiệm nước tiểu vào sau khoảng 2 tuần tính từ thời điểm bạn có kinh cuối hoặc 2 tuần sau khi chuyển phôi. Tuy nhiên, với các que thử thai có độ nhậy cao, bạn có thể xét nghiệm sớm hơn.
Xét nghiệm nước tiểu có độ chính xác khoảng 97% khi thực hiện theo đúng chỉ dẫn. Xét nghiệm này có nhiều ưu điểm do chúng có thể được thực hiện tại nhà, giá thành thấp, cho kết quả nhanh và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng chỉ dẫn hoặc thực hiện quá sớm thì kết quả có thể không chính xác.
Nếu bạn nhận được kết quả là âm tính nhưng vẫn có những triệu chứng khi mang thai (mất kinh, buồn nôn, căng ngực và mệt mỏi) thì hãy chờ thêm 1 tuần và làm một xét nghiệm khác hoặc liên lạc với bác sĩ để làm xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu
Có 2 loại xét nghiệm máu. Xét nghiệm định lượng đo lường chính xác lượng hCG trong máu và xét nghiệm định tính hCG cho câu trả lời đơn giản là có hoặc không có thai. So với xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu có ưu điểm hơn là có thể phát hiện mang thai sớm hơn so với xét nghiệm nước tiểu khoảng 7-12 ngày kể từ ngày có thể thụ thai (nhưng nếu bạn nhận được kết quả là âm tính thì nên làm xét nghiệm lại nếu bị mất kinh) và có thể đo lường nồng độ hormone hCG trong máu (đây là thông tin hữu ích để cơ sở khám sức khỏe cho bạn theo dõi và biết được các vấn đề nhất định trong thời kì mang thai). Tuy nhiên xét nghiệm máu cũng có hạn chế là đắt hơn xét nghiệm nước tiểu, thời gian cho kết quả lâu hơn và phải thực hiện ở phòng khám.
Nếu kết quả xét nghiệm thử thai là dương tính cho thấy có hormone hCG trong cơ thể bạn. Khi phôi bám vào tử cung của người phụ nữ, hormone hCG bắt đầu phát triển và nhân rộng. Đây là triệu trứng đã có thai. Trong trường hợp kết quả âm tính thì có thể là không có thai hoặc do làm xét nghiệm quá sớm hoặc thực hiện sai chỉ dẫn.
Các loại que thử thai khác nhau về độ nhạy (cách chúng có thể phát hiện hormone hCG), nếu chưa đủ thời gian sản xuất đủ lượng hormone hCG hoặc không đợi đúng thời gian để kết quả hiển thị thì xét nghiệm đó coi như vô hiệu. Tốt nhất là làm theo đúng hướng dẫn và chờ cho tới lúc mất kinh trước khi làm xét nghiệm.
Nên đợi cho tới khi mất kinh rồi hãy kiểm tra. Mất kinh thường là triệu trứng đầu tiên của sự mang thai. Nếu không thể chờ đợi để tìm hiểu và biết được ngày có thể thụ thai thì sau đó trong thời gian sớm nhất có thể thử thai vào ngày thứ 14 kể từ ngày thụ thai. Trường hợp các kết quả không giống nhau giữa các xét nghiệm thử thai thì nên làm xét nghiệm máu để cho câu trả lời chính xác hơn.
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn
Nguồn: americanpregnancy.org