Menu Đóng

Thai bao nhiêu tuần được coi là đủ tháng để sinh ?

Theo thống kê cho thấy, có 80% bà bầu sinh con trong khoảng tuần thai 37 – 42 tuần tuổi, trong đó có 9% trường hợp sinh con sau 40 tuần. 11% thai phụ sinh sớm trước 37 tuần do do một nguyên nhân bất thường nào đó. Vậy thai bao nhiêu tuần thì đủ tháng ?

1. Cách tính tuổi thai theo tuần
Tuần tuổi thai được tính dựa trên kỳ kinh cuối cùng. Tuần mang đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Các tuần sau cứ lần lượt cộng thêm vào.
Bác sĩ kết hợp cả 3 phương pháp để tính ngày dự sinh gồm: phương pháp tính ngày kinh cuối cùng, siêu âm và khám sức khỏe để dự đoán trước được ngày dự sinh của thai phụ.

2. Thai bao nhiêu tuần thì đủ tháng?
Thai đủ ngày là thai đủ 40 tuần tuổi (tính đến ngày dự sinh). Tuy nhiên thai > 38 tuần là đã trưởng thành và có thể nuôi sống dễ dàng bên ngoài tử cung mẹ. Theo đó, trẻ được sinh ra từ 39 – 41 tuần sẽ có ít biến chứng nhất, trong khi đó trẻ sinh sớm hoặc muộn hơn thời gian này đều sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn. Cụ thể, thời gian sinh nở của phụ nữ có thai sẽ được định nghĩa và phân chia như sau:

  • Trước 37 tuần: trẻ sinh non
  • Từ 37 – 38 tuần: trẻ sinh sớm
  • Từ 39 – 40 tuần: trẻ sinh đúng tháng
  • 41 tuần: trẻ sinh cuối thời hạn
  • Từ 42 tuần trở lên: trẻ sinh già tháng.

Tuy nhiên, không có một con số ấn định thai đủ bao nhiêu tuần thì sinh đồng đều với mọi thai phụ. Yếu tố sức khỏe của thai, yếu tố tâm lý, sự kích thích tác động bên ngoài cũng như cơ địa của người mẹ mà thai phụ có thể sinh sớm hay muộn hơn so với ngày dự kiến sinh là 1 – 2 tuần là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, với những mẹ mang thai lần đầu, em bé thường chào đời sớm hơn ngày dự sinh từ 7 – 10 ngày.

3. Ba nhóm phụ nữ có nguy cơ sinh non

  1. Nhóm thứ nhất – nguy cơ do thai như: có nhiều hơn một thai (đa thai), thai quá lớn hoặc nước ối quá nhiều… làm cho tử cung căng to quá mức dễ dẫn tới chuyển dạ sớm.
  2. Nhóm thứ hai: bất thường của tử cung (u xơ tử cung to, hở eo tử cung), nhiễm trùng đường tiểu, bệnh mãn tính của thai phụ (cao huyết áp, tiểu đường…), thai phụ nhẹ cân hoặc thừa cân khi mang thai, bệnh nhiễm trùng toàn thân gây sốt cao hoặc có phẫu thuật vùng bụng trong thời gian mang thai…
  3. Nhóm thứ ba – nguy cơ do thói quen như: không đi khám thai đều đặn, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia trong thời gian mang thai hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho bà bầu để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

4. Các dấu hiệu chuyển dạ cần đến bệnh viện ngay

  • Ra máu âm đạo trong giai đoạn muộn của thai kỳ có thể là dấu hiệu của các bất thường về rau hay sinh non, chuyển dạ. Lượng máu càng nhiều, mức độ nghiêm trọng càng tăng.
  • Ra nước ối âm đạo: bà mẹ mang thai thấy dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, giống như nước, tiết ra ồ ạt hoặc rỉ rả liên tục, có mùi hơi tanh nồng và hơi nhớt… đây có thể là dấu hiệu của rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm. Cần tới bệnh viện ngay khi phát hiện ra nước ối âm đạo.
  • Đau bất thường ở vùng tử cung và bụng dưới: cơn co thành chu kỳ, liên tục, không mất đi sau khi nghỉ ngơi 1 giờ, đặc biệt khi tuổi thai dưới 37 tuần bà mẹ cần đến bệnh viện ngay vì đó có thể là các dấu hiệu liên quan đến sinh sớm.
  • Thai không cử động hoặc cử động ít hơn bình thường:
  • Các dấu hiệu đột ngột khác của bà mẹ mang thai: sốt trên 38 độ C, ngất xỉu, khó thở, đau đầu dữ dội, đau ngực, nôn mửa, rối loạn thị giác, co giật đều cần được xử trí sớm.

Ở những tháng cuối là thời điểm vô cùng nhạy cảm với thai phụ, chỉ với những bất thường nhỏ cũng có thể là những dấu hiệu của sinh non, thai lưu. Vì vậy, thai phụ nên tích cực khám thai thường xuyên để theo dõi sức khỏe của bé, có những biện pháp can thiệp sớm nếu có bất thường xảy ra.

Bài liên quan