Cái đức của người thầy thuốc phải rộng như biển cả và tự mình phát minh. Nếu có cầu xin là cầu xin tất cả những gì có thể cứu được bệnh nhân, từ gió, lửa đến cây cỏ…
Câu nói này của người xưa được cố giáo sư – bác sĩ Ngô Gia Hy nhắc lại trong một quyển sách viết về y đức, đã và đang được rất nhiều thầy thuốc tâm niệm, coi như lẽ sống của đời mình. Dù ở cương vị nào, họ vẫn luôn cố gắng giúp người bệnh không bị vuột mất những cơ hội sống còn mong manh…
Cuộc gọi cuối năm
Trưa 6-2-2010 (23 tháng chạp Kỷ Sửu), tôi nhận được cuộc gọi của bác sĩ Lê Thanh Chiến – giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM. Giọng đầy lo lắng, ông kể trước khi mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị đau ruột thừa, các bác sĩ của bệnh viện đã phát hiện bệnh nhân bị hội chứng Brugada (tim có thể ngừng đập đột ngột khiến người bệnh tử vong bất cứ lúc nào).
Sau mổ ruột thừa, sức khỏe bệnh nhân đã ổn, còn hội chứng Brugada chưa được điều trị. Với bệnh này, y học đã có cách điều trị hiệu quả là cấy máy tạo nhịp vào người nhưng chỉ riêng tiền mua máy đã khoảng 200 triệu đồng, gia đình bệnh nhân quá nghèo không thể nào lo nổi. “Bệnh nhân chỉ mới 21 tuổi. Anh trai bệnh nhân cũng đã chết vì bệnh này. Chúng tôi thật không đành lòng…” – bác sĩ Chiến tâm sự.
Bác sĩ Võ Kim Tuyến và bác sĩ Đỗ Thị Hồng Ánh, hai bác sĩ trẻ tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương chính là những người đã báo cho ban giám đốc bệnh viện biết hoàn cảnh của bệnh nhân bị hội chứng Brugada là em Trương Văn Dương (Q.12, TP.HCM).
Bác sĩ Tuyến và bác sĩ Ánh kể đa số bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực chống độc đều bị bệnh rất nặng và nhiều người rất nghèo. Có khi bệnh viện có phương tiện, có thầy thuốc giỏi nhưng gia đình bệnh nhân không lo nổi số tiền quá lớn thì bác sĩ cũng đành phải cho họ về. “Về” có nghĩa là chết. Làm thầy thuốc, còn có nỗi đau nào hơn…
Làm từ thiện “chuyên nghiệp”
Hơn mười năm qua, người nghèo bị mù do đục thủy tinh thể ở khắp mọi miền đất nước đều biết đến các bác sĩ “làm từ thiện chuyên nghiệp” của Bệnh viện Mắt TP.HCM. Những cái tên Phí Duy Tiến, Bùi Thị Thu Hương, Nguyễn Hoàng Cẩn, Huỳnh Chí Nguyễn, Trần Huy Hoàng, Ngô Thị Hồng Cúc, Bùi Huy Hoàng, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Văn Nghĩa… quá đỗi thân quen với người bệnh nghèo. Họ là những thầy thuốc chưa bao giờ biết mệt mỏi với hàng trăm chuyến đi đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo.
Những lần đồng hành cùng các y bác sĩ đi mổ mắt miễn phí ở miền Trung, miền Bắc, tôi luôn thấy lưng áo của họ thấm đẫm mồ hôi. Có ngày các bác sĩ, điều dưỡng mổ mắt cho hàng trăm người mù nghèo. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi chỉ là tranh thủ ăn vội ổ bánh mì hay hộp cơm đã nguội lạnh.
Xong việc lại hối hả đến địa phương khác. Đến nay bác sĩ Phí Duy Tiến – hiện là phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP – vẫn không quên được cảnh một bệnh nhân nghèo mù sống nhiều năm trên ngọn cây ở một vùng quê rất nghèo tại Đắk Lắk. Khi đến nơi, bác sĩ Tiến phải nhờ người leo lên cây khiêng bệnh nhân xuống mổ. Khi sáng mắt, bệnh nhân không thốt nên lời, còn các thầy thuốc thì rưng rưng hạnh phúc…
Kê toa phải nghĩ đến bệnh nhân nghèo
Thầm lặng làm tất cả những gì có thể để giúp người bệnh nghèo, với bác sĩ Phí Duy Tiến, đơn giản chỉ là “thấy xung quanh mình có nhiều đồng nghiệp quá tốt, quá hay”.
Bác sĩ Tiến kể có những đồng nghiệp của anh chỉ lặng lẽ làm những công việc rất bình thường là tuyên truyền, giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng. Họ tích cực tổ chức những chương trình sức khỏe hướng về cộng đồng, họ nói chuyện phòng bệnh sao mà cứ say mê và chẳng màng đến chuyện lợi danh.
Còn rất nhiều “những đồng nghiệp quá tốt” của bác sĩ Tiến mà tôi vẫn gặp hằng ngày ở các bệnh viện. Đó là bác sĩ Nguyễn Đình Phú, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện nhân dân 115, người thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu để làm ra những dụng cụ chỉnh hình rẻ tiền thay thế hàng ngoại nhập giúp bớt gánh nặng viện phí cho bệnh nhân.
Là bác sĩ Như Uyên của Bệnh viện Nhi Đồng 1 luôn trăn trở với bệnh nhân nghèo. Đó còn là bác sĩ Thúy, trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để trẻ suy thận được hòa nhập cộng đồng. Là các anh chị điều dưỡng Linh, Vũ… luôn chăm chút cho bệnh nhi từng cuốn vở để “mấy đứa nhỏ học không quên chữ”, vận động tiền tổ chức cho bệnh nhi đi chơi xa. Có anh chị mỗi khi vào ca trực đêm lại mang chút đồ ăn cho các bé.
Bác sĩ Phí Duy Tiến nói rằng mỗi chuyến đi mổ mắt cho bệnh nhân nghèo là một lần cọ xát thực tế, giúp các y bác sĩ trưởng thành hơn, bớt được tính ích kỷ, sống có trách nhiệm hơn và đồng cảm hơn với người bệnh.
Bài học từ cuộc sống cũng giúp các thầy thuốc hiểu rằng mỗi khi kê toa thuốc phải luôn cân nhắc làm sao để người nghèo có thể mua được thuốc trị khỏi bệnh cho họ. Mỗi khi chỉ định làm một kỹ thuật, thủ thuật gì phải luôn xem xét đã thật sự cần thiết chưa để không gây tốn kém cho bệnh nhân. Khi cho bệnh nhân xuất viện phải nghĩ đến chuyện cho họ về lúc này có kịp chuyến xe không…
LÊ THANH HÀ (Theo Tuổi trẻ)