Menu Đóng

Sinh non và những tác động lên tâm lý tuổi trưởng thành

Người trưởng thành có tiền sử sinh rất non tháng tăng nguy cơ rối loạn hành vi và giao tiếp tương quan có ý nghĩa với các bằng chứng hình ảnh học não bộ.

Các nhà điều tra tại Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh, phát hiện ra rằng những người 30 tuổi có tiền sử sinh rất non tháng, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới là chào đời ở tuần thứ 28 đến < 32 tuổi thai, gặp vấn đề trong giao tiếp và hành vi với tương quan nghịch có ý nghĩa với sự giảm khối lượng bó não – thể vân.
Nhà điều tra nghiên cứu: Tiến sĩ Chiara Nosarti, thuộc Đại học Hoàng gia London, nói với các đại biểu tham dự Hội nghị tâm thần châu Âu (EPA) lần thứ 24 rằng, bởi vì rối loạn hành vi được biểu thị phần nào qua chỉ số thông minh (IQ), kết quả nghiên cứu cho thấy có một cơ chế nền liên kết cả hai hiện tượng trên.

Sự khác biệt có ý nghĩa
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ sinh non có nguy cơ cao phát triển chứng rối loạn tâm thần trước 18 tuổi và có nhiều khả năng phải nhập viện với mọi chẩn đoán bệnh tâm thần.
Hơn nữa, một cuộc điều tra trước đó của Tiến sĩ Nosrati và cộng sự phát hiện ra rằng những nguy cơ đối với rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực, và trầm cảm ở tuổi 16 tăng lên ở mức vừa phải trong số những người được sinh ra ở tuổi thai từ 32-36 tuần nhưng tăng lên ở mức đáng kể ở những người sinh rất non tháng trước 32 tuần tuổi thai.
Hiện tại, các nhà điều tra đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu tại Bệnh viện Đại học College London với 473 trẻ sinh ra < 33 tuần tuổi thai từ năm 1979-1984 và 268 ca chứng.
Tất cả trẻ trong nghiên cứu được theo dõi ở tuổi 14 và 18. Ở thời điểm 18 tuổi, 12% trẻ vị thành niên sinh ra rất non tháng được chẩn đoán rối loạn tâm thần, so với 5% ở nhóm chứng.
Đánh giá hiện tại quay trở lại những người tham gia nghiên cứu trước đây ở độ tuổi trung bình là 30, với 126 người trong nhóm sinh rất non tháng và 83 người trong nhóm chứng có sẵn để phân tích. Tiến sĩ Nosrati chỉ ra kết quả chỉ mang tính sơ bộ vì có 40 ca không được đánh giá.
Có vài sự khác biệt đáng kể giữa nhóm sinh rất non tháng và nhóm chứng, trong đó nhóm sinh rất non tháng đa phần là trẻ nam (65% so với 46%) và có chỉ số IQ trung bình thấp (103,57 so với 111,57), và cũng ít khả năng được tuyển dụng (85% so với 95%).

Tương quan nghịch
Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ bệnh tâm thần được chẩn đoán và tiền căn sử dụng thuốc tâm thần giữa các nhóm khi dựa vào bảng báo cáo cá nhân.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt giữa nhóm sinh rất non tháng và nhóm chứng dựa trên số liệu từ các phỏng vấn viên trong đội Đánh giá toàn diện yếu tố nguy cơ của tình trạng tâm thần.
Cụ thể, có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm về thang đo kỹ năng giao tiếp tiêu cực (NID) và rối loạn tổ chức hành vi-nhận thức-giao tiếp (CCBD) (P = 0,018 và P = 0,013, tương ứng).
Sự khác biệt về điểm NID vẫn có ý nghĩa khi kiểm soát tuổi, giới tính, và chỉ số IQ (P = 0,008), cho thấy sự khác biệt về điểm CCBD một phần là do sự khác biệt chỉ số IQ giữa các nhóm.
Có giả thuyết cho rằng sự khác biệt về điểm NID và CCBD giữa nhóm sinh rất non tháng và nhóm chứng có thể có liên quan đến sự thay đổi cấu trúc các bó não – thể vân, mà đã được chứng minh có liên quan đến sự chậm phát triển, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát MRI khuếch tán.
Kết quả cho thấy mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa điểm NID và khối lượng các bó thể vân kiểm soát trí nhớ/khả năng chú ý (r = -0,20, P = 0,045), các bó thể vân kiểm soát cảm giác-vận động (r = -0,33, P = 0,004), và các bó thể vân kiểm soát các động tác không tự ý (r = -0,30, P = 0,013).
Hơn nữa, có mối tương quan nghịch đáng kể giữa điểm CCBD và khối lượng các bó thể vân – thùy trán (r = -0,21, P = 0,038) và các bó thể vân – hệ viền (r = -0,21, P = 0,033).
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khối lượng các bó thể vân kiểm soát các động tác không tự ý, cảm giác-vận động, thùy trán, và hệ viền đều thấp hơn đáng kể ở những người sinh rất non tháng so với nhóm chứng (P < 0,05 trong tất cả các trường hợp).

Mạng lưới thiếu sót chức năng thần kinh
“Thiết sót chức năng thần kinh trong những mạng lưới này không chỉ bao gồm biểu hiện hành vi của các rối loạn tâm thần mà còn về mặt nhận thức,” tiến sĩ cho biết.
“IQ giải thích mức độ các dạng rối loạn hành vi đã từng trải qua, nhưng không bao gồm tất cả. Vì vậy, có hai vấn đề xảy ra đồng thời ảnh hưởng lên sự nhận thức và cấu thành hành vi của người trưởng thành có tiền căn sinh non”, tiến sĩ Nosrati nói thêm.
Nhằm mục đích cố gắng dự đoán và phòng ngừa một số bệnh tâm thần ở người trưởng thành có tiền căn sinh rất non tháng, Tiến sĩ Nosrati và đồng nghiệp đang đề nghị lập khóa đào tạo nhận thức cho trẻ bắt đầu từ năm 8 tuổi.
Khóa đào tạo bao gồm các bài tập kiểm soát nhận thức rất đơn giản. Ý tưởng là “nếu bạn tăng cường sự kết nối mà bạn biết sẽ có thể ảnh hưởng một phần lên các vấn đề trong tương lai, thì bạn có thể phòng ngừa hoặc ngăn cản các vấn đề này phát triển.”
Tiến sĩ Nosrati cũng chỉ ra rằng các vấn đề kết nối mà cô phát hiện được cũng hiện diện ở những người trong tình trạng thoái hóa hệ thần kinh, và vì vậy cô muốn tiếp tục theo dõi nhóm sinh rất non tháng để xác định liệu họ có bị thoái hóa hệ thần kinh khi già đi.
“Một điều mà chúng ta nhận thấy trong các nghiên cứu về mặt chức năng và hình ảnh giải phẫu là bạn có xu hướng có những nút thắt dị tính trong mạng lưới này mà bị ảnh hưởng nhiều hơn [bởi các vấn đề kết nối] so với những người khác, và đây là những người đầu tiên bị khiếm khuyết với sự lão hóa bình thường,  và cũng như trong bệnh Alzheimer “, cô nói.
“Vì vậy, có rất nhiều mục tiêu nhằm làm chậm phát triển bệnh lý tâm thần, giảm kết cục bệnh tâm thần ở người lớn, và có lẽ xây dựng cơ chế bảo vệ phòng ngừa lão hóa trong tương lai.”

Tương quan lâm sàng?
Tuy nhiên, đồng chủ tọa, bác sĩ Romuald Brunner, Trung tâm y khoa Tâm thần học, Bệnh viện Đại học Heidelberg, Đức, không chắc chắn những phát hiện liên quan đến lâm sàng của Tiến sĩ Nosrati.
Mô tả các kết quả “rất tinh tế” và chỉ liên quan đến hình thái học của não, ông nói rằng ông có “một chút hoài nghi” về tầm quan trọng của các nghiên cứu, bởi vì các nhà điều tra đã không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào trên kết cục bệnh tâm thần giữa nhóm sinh rất non tháng và nhóm chứng.
Sự khác biệt nổi bật trong nghiên cứu giữa nhóm sinh rất non tháng và nhóm chứng là rất nhỏ, Tiến sĩ Brunner lưu ý, ngày nay, trẻ sinh non đang được chăm sóc “tốt hơn dự kiến” so với các thế hệ trước, cho thấy rằng “có thể việc chăm sóc tốt hơn nhiều phát triển trong 10, 20 năm qua sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc giáo dục ở trẻ.”
Hơn nữa, mặc dù thực sự có sự khác biệt trên đo lường trí thông minh giữa trẻ sinh non và nhóm chứng, “gần như không có kết cục xấu, như vậy có lẽ nó liên quan nhiều đến các khía cạnh xã hội hơn là các khía cạnh sinh học thực sự”, ông lưu ý.
Ở phần tổng kết, Tiến sĩ Brunner nói rằng các phát hiện mà Tiến sĩ Nosrati trình bày được đánh giá là “rất, rất cẩn thận,” và: “Nếu bạn có thể đưa một ví dụ về rối loạn sự trưởng thành của não, có thể bạn sẽ tìm thấy một cơ chế gây rối loạn chức năng cơ bản, như hoạt động của bộ nhớ hoặc một cái gì đó tương tự”.
“Vẫn rất thú vị nếu tiếp tục theo dõi những ca sinh non để phát triển tiếp các mô hình, nhưng tôi nghĩ rằng tới đây là đủ.”
Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu y khoa, March of Dimes, Athena Swan, Quỹ cuộc sống mới cho trẻ em khuyết tật, Trung tâm nghiên cứu Y sinh tại Guy và St Thomas, Dịch vụ y tế quốc gia, trường Cao Đẳng King London, và Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia. Các nhà điều tra và tiến sĩ Brunner không có liên quan về tài chính.

Tác giả bài viết: Cao Thị Lan Hương, Tăng Quang Thái

Nguồn tin: Medscape

Bài liên quan