Đã hơn 40 năm kể từ khi vắc-xin ngừa sởi chứng tỏ được hiệu quả của mình. Trước khi thuốc chủng này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1963, đã có khoảng 135 triệu ca mắc sởi và trên 6 triệu ca tử vong liên quan sởi xảy ra mỗi năm. Nhờ vào vắc-xin này, tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới liên quan sởi đã giảm đến 78% trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2008.
Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực của nhân loại, thật đáng kinh ngạc khi trong thế kỷ 21 sởi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắc-xin đối với trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh vẫn được xem là nội dịch tại nhiều nước thuộc châu Âu. Chỉ riêng năm 2010 đã có trên 27.795 ca mắc sởi được báo cáo ở châu Âu, 21.853 trường hợp được báo cáo trong trận dịch 2009-2010 tại Bun-ga-ri với 25 ca tử vong.
Tại Hoa Kỳ, trong suốt những năm thập niên 80, số ca mắc sởi tuy thấp nhưng đến 1989 lại gia tăng nhanh chóng với khoảng 18.000 ca được ghi nhận và được giải thích do thiếu liều vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR) lần hai, dẫn đến khả năng miễn dịch ngừa sởi ở những trẻ tuổi đến trường bị suy giảm. Kết quả là lịch chủng với hai liều vắc-xin đã được khuyến cáo. Đến cuối năm 2000, nhờ vào chương trình tiêm chủng, Hoa Kỳ đã tuyên bố loại bỏ nội dịch sởi. Tuy nhiên, từ 01-01-2011 đến 20-05-2011, 118 ca mắc sởi mới lại được báo cáo tại Hoa Kỳ, 46% số ca đến từ các nước bên ngoài, đa phần là các quốc gia thuộc châu Âu.
Trước kỷ nguyên vắc-xin sởi, miễn dịch đối với bệnh lý này có được nhờ nhiễm tự nhiên hoặc do kháng thể từ mẹ truyền sang thai nhi trong lúc mang thai. Bệnh lây truyền thông qua tiếp xúc giữa cá thể nhạy cảm với dịch tiết nhiễm virus của người bệnh.Tỷ lệ mắc mới sởi thay đổi có tính chất chu kỳ. Miễn dịch có được do mắc phải hoặc thông qua miễn dịch sẽ làm giảm số cá thể nhạy cảm trong cộng đồng, và khoảng cách giữa các trận dịch sẽ tương xứng với số cá thể nhạy cảm tích lũy theo thời gian. Nhờ vào vắc-xin, khoảng cách giữa các trận dịch có thể kéo dài đến 10 năm; trong khi đó, nếu không có thuốc chủng ngừa, khoảng cách này rút ngắn còn 3-4 năm. Tỷ lệ chủng ngừa sụt giảm trong thập niên vừa qua đã làm tăng số cá thể nhạy cảm với sởi trong cộng đồng và điều này đã khiến sởi lại bùng lên.
Loại bỏ sởi, được xác định bằng việc cắt đứt lây truyền tại nước sở tại, là một vấn đề đầy khó khăn do bệnh có tính lây nhiễm rất cao đồng thời giai đoạn có thể truyền bệnh lại xảy ra trước khi có các biểu hiện lâm sàng. Một cách lý tưởng, để ngăn ngừa sự lan truyền của virus, 95% trẻ trong cộng đồng cần phải nhận được đủ hai liều MMR. Thế nhưng, cho đến 2009, chỉ có 60% các quốc gia trên toàn thế giới đạt được mức bao phủ 90% với ít nhất một liều vắc-xin. Những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, niềm tin tôn giáo, và những nỗi hoài nghi về hiệu quả vắc-xin chỉ là một phần trong số các lý do giải thích cho độ bao phủ thấp. Những vấn đề khác cũng cần phải được quan tâm, chẳng hạn cần phải tổ chức hệ thống chủng ngừa tốt hơn, bởi lẽ 10% các trẻ đã được chủng ngừa lần đầu lại bỏ lỡ mất mũi vắc-xin lần hai sau đó. Bất cập trong việc nhắc hẹn chủng ngừa và không theo dõi những gia đình di chuyển chỗ ở là những điểm yếu cũng cần lưu ý.
Tuy nhiên, loại bỏ bệnh không phải là điều bất khả thi. Sởi đã được loại trừ khỏi Hoa Kỳ vào năm 2000, thế nhưng tiến trình loại trừ sởi ở châu Âu lại không suôn sẻ. Tính đến 2010, 30/53 quốc gia châu Âu đã đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ mắc sởi xuống còn <1 ca/1 triệu dân. Kế hoạch chiến lược trong giai đoạn 2010-2015 là đạt tỷ lệ trẻ được chủng ngừa bao phủ đến 90%, giảm số ca mắc < 5/1triệu dân cũng như giảm 95% tỷ lệ tử vong so với năm 2000.
Cần thêm những nguồn lực và cố gắng hơn nữa để có thể đạt mục tiêu trên. Tại Việt Nam, việc áp dụng phác đồ hai mũi vắc-xin ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng quốc gia, được áp dụng từ 06-2010, kết hợp với những đợt chích vét vắc-xin ngừa sởi, nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc chủng ngừa… cũng không ngoài mục đích nâng cao độ bao phủ vắc-xin. Hãy luôn nhớ rằng việc loại bỏ bệnh sởi trong hiện tại nhằm mục tiêu bảo vệ cho những thế hệ tương lai.
(Nguồn: The Lancet Infectious Diseases. Vol 11 July 2011)
BS. Nguyễn An Nghĩa