Menu Đóng

Progesterone tăng vào ngày tiêm hCG và xác suất có thai trong IVF: meta-analysis

Tác động của sự gia tăng nồng độ progesterone đối với kết cục của IVF vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua.

Venetis và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm mục đích đánh giá mối liên hệ giữa tăng progesterone vào ngày tiêm hCG với xác suất có thai.

Các nghiên cứu thỏa tiêu chuẩn gồm những bệnh nhân chỉ tham gia nghiên cứu duy nhất 1 lần.

Khi tìm kiếm các tài liệu trong Medline, Embase và Central, các nhà nghiên cứu xác định được 12 nghiên cứu thỏa tiêu chuẩn, trong đó có 10 nghiên cứu hồi cứu.

Đa số các nghiên cứu này (n = 10) không phát hiện thấy mối liên hệ nào có ý nghĩa thống kê giữa sự gia tăng progesterone với khả năng có thai.

Phân tích gộp được thực hiện trên các nghiên cứu (n = 5) có chứa dữ liệu về thai lâm sàng trên số bệnh nhân được tiêm hCG để gây trưởng thành noãn.

Theo đó, không thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tăng progesterone và xác suất có thai lâm sàng (tỷ số chênh: 0.75, độ tin cậy 95% trong khoảng 0.53 đến 1.06; P = 0.10).

Kết quả này vẫn không thay đổi khi phân tích về độ nhạy. Các phân tích này không bao gồm những nghiên cứu có các đặc điểm sau: không ghi chép rõ ràng về mối liên hệ giữa hàm lượng progesterone và cách xử trí tương ứng; không định nghĩa rõ ràng về thai lâm sàng.

Ngoài ra, đã có nhiều phân tích sâu hơn về từng loại GnRH được sử dụng và giá trị của ngưỡng huyết thanh được sử dụng để phân loại bệnh nhân nào có hay không có tăng progesterone.

Tuy nhiên, về thực chất các phân tích này vẫn không làm thay đổi các kết quả đã có. Vì vậy, các bằng chứng tốt nhất đến nay vẫn chưa thể khẳng định mối liên quan giữa tăng progesterone vào ngày tiêm hCG với xác suất có thai lâm sàng ở những bệnh nhân điều trị IVF được kích thích buồng trứng với gonadotrophins và GnRH.

BS Nguyễn Khánh Linh

Theo HOSREM

Bài liên quan