Cho đến nay, sanh non vẫn là nguyên nhân phổ biến gây tử vong chu sinh cao. Dự phòng sanh non bằng khâu cổ tử cung là phương pháp hiệu quả, đặc biệt ở những thai phụ có chiều dài cổ tử cung ngắn hoặc tiền sử sanh non trước 37 tuần ít nhất 1 lần. Một phân tích gộp vừa được đăng trên tạp chí Obsterics and Gynecology số mới nhất phân tích kết quả thai kỳ của những thai phụ được chỉ định khâu eo tử cung bằng siêu âm đo chiều dài CTC tầm soát và những trường hợp khâu vì tiền sử có chỉ định khâu CTC như sanh non nhiều lần.
Phân tích này dựa trên tổng hợp 4 nghiên cứu ngẫu nhiên, bao gồm 467 phụ nữ mang đơn thai có tiền sử sanh non được siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung vào tam cá nguyệt 2 và chỉ định khâu eo tử cung khi chiều dài kênh cổ tử cung ngắn hơn 25mm. Khi so sánh với nhóm phụ nữ được chỉ định khâu CTC vì tiền sử có chỉ định, kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ sinh non trước 37 tuần (31% so với 32%, RR 0,97, 95% CI 0,73 – 1,29), tỷ lệ sanh non trước 34 tuần (17% so với 23%, RR 0,76, 95% CI 0,48 – 1,20) và tỷ lệ tử vong chu sinh (5% so với 3%, RR 1,77, 95% CI 0,58 – 5,35).
Ngoài ra, khi so sánh chi phí giữa siêu âm đo chiều dài CTC tầm soát và chỉ định khâu CTC do tiền sử, người ta nhận thấy siêu âm và chỉ định khâu CTC sẽ tiết kiệm chi phí nhiều lần so với chỉ định thường quy cho những thai phụ có chỉ định khâu CTC trong tiền sử. Điều này cho thấy những thai phụ có tiền căn sanh non vẫn có thể an toàn khi được siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung và chỉ định khâu khi CTC ngắn lại.
Kết luận: Những phụ nữ mang đơn thai dù có tiền căn sanh non vẫn nên được siêu âm đo chiều dài CTC và chỉ định khâu khi CTC ngắn chứ không nên khâu CTC thường quy ở những thai phụ này.
Nguồn: Cervical length screening with ultrasound – indicated cerlage compared with history – indicated cerlage for prevention of preterm birth – A meta-analysis, Obstetrics and Gynecology, Vol.18, No.1, July 2011
BS. Lê Tiểu My