Menu Đóng

Mô hình mới giúp tiên lượng các biến chứng của tiền sản giật

Một mô hình mới giúp dự đoán các biến chứng xảy ra cho mẹ trong những trường hợp bị tiền sản giật được các nhà nghiên cứu – Tiến sĩ Peter von Dadelszen, thuộc Child & Family Research Institute, đại học British Columbia, Vancouver, Canada và các đồng nghiệp – xây dựng dựa trên sáu biến số được xác định là quan trọng trong việc dự đoán khả năng xảy ra biến chứng của bệnh này.


Tiền sản giật là một bệnh lý xuất hiện trong thai kỳ, biểu hiện gồm tăng huyết áp kèm đạm niệu. Đây cũng là tình trạng viêm hệ thống quá mức và là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ, ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao. Tử vong thường do biến chứng sản giật (co giật và hôn mê), tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, hoặc viêm hệ thống. Cách điều trị duy nhất để khỏi hẳn bệnh đối với tiền sản giật là chấm dứt thai kỳ.

Các tác giả của mô hình mới này đã phát triển và kiểm định mô hình tên là fullPIERS với mục đích xác định nguy cơ tử vong hay bị các biến chứng đe dọa tính mạng thai phụ bị tiền sản giật trong vòng 48 giờ nhập viện. Dự án này đã được thực hiện tại tám trung tâm ở Canada, New Zealand, Úc, và Vương quốc Anh từ ngày 1 tháng 9 năm 2003 đến ngày 31 tháng giêng năm 2010.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 34 biến số dự báo có thể đo lường được và đáng tin cậy. Các biến số này bao gồm đặc điểm nhân khẩu của mẹ; tiền sử bệnh; triệu chứng hiện tại; dấu hiệu tim mạch; chức năng gan, thận và xét nghiệm máu; đánh giá tình trạng thai như nhịp tim và ước lượng cân thai.

Mô hình fullPIERS được đánh giá một lần trên 200 phụ nữ vào cơ sở dữ liệu ban đầu và thực hiện mỗi tháng sau đó, việc này cho phép nhóm nghiên cứu có thể bỏ bớt các biến không có ý nghĩa thống kê. Trong số 2023 phụ nữ bị tiền sản giật được nhận vào nghiên cứu, 261 (13%) có biến chứng. Không ai tử vong.

Các nhà nghiên cứu sử dụng phân tích thống kê để xác định các biến có thể dự đoán biến chứng ở những phụ nữ bị tiền sản giật và xây dựng mô hình fullPIERS trên các yếu tố: tuổi thai, đau ngực, khó thở, xét nghiệm men gan (aspartate aminotransferase), số lượng tiểu cầu, chức năng thận (creatinin huyết thanh) và nồng độ oxy trong máu.

Các tác giả cho biết: “Nên loại bỏ các xét nghiệm không cần thiết. Chẳng hạn xét nghiệm men gan aspartate transaminase, alanine transaminase và lactate dehydrogenase có thể được thay thế bởi một mình aspartate transaminase mà vẫn không làm mất các thông tin quan trọng, đồng thời còn làm giảm được chi phí xét nghiệm.”

Nguồn: New Model To Predict Adverse Maternal Outcomes In Pre-Eclampsia – Medical News Today

BS Huỳnh Thị Mai Thanh

Bài liên quan