ĐẶNG QUANG VINH* HỒ MẠNH TƯỜNG** VƯƠNG THỊ NGỌC LAN***
PHÙNG HUY TUÂN* NGUYỄN THỊ THU LAN* LÊ THỤY HỒNG KHẢ*
TÓM TẮT
Trưởng thành trứng non (In vitro maturation- IVM) là kỹ thuật nuôi trứng non (giai đoạn GV) đến giai đoạn trưởng thành (MII) in vitro. Trứng sau khi đã trưởng thành sẽ được thụ tinh và nuôi cấy như các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thông thường. Các ưu điểm của kỹ thuật IVM bao gồm (1) không hoặc chỉ sử dụng rất ít thuốc kích thích buồng trứng do đó, không có nguy cơ quá kích buồng trứng, (2) giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân; (3) thời gian theo dõi ngắn, bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần. Do đó, hiện nay, IVM đang được xem là một kỹ thuật có khả năng thay thế TTTON thường quy trước đây.
Kỹ thuật IVM được chúng tôi triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2006. Chúng tôi đã thành công ngay từ trường hợp đầu tiên và hai em bé đầu tiên (sinh đôi) từ kỹ thuật này ra đời vào tháng 05/2007. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình, với sự tham gia của 104 bệnh nhân có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm, với 104 chu kỳ điều trị. Bệnh nhân được sử dụng recFSH (100 IU/ngày, trong 3 ngày) và hCG (10.000 IU) vào 38-40 giờ trước khi chọc hút trứng. Trứng sau chọc hút được cấy trong môi trường đặc biệt trong thời gian 26-28 tiếng để trưởng thành. Quá trình thụ tinh, tạo phôi và nuôi cấy phôi diễn ra như những trường hợp TTTON bình thường. Số trứng chọc hút trung bình là 14,5; tỷ lệ trứng trưởng thành là 72,3%. Tỷ lệ thụ tinh bình thường là 71,2%. Tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ làm tổ của phôi lần lượt là 29,8% và 8,6%.
GIỚI THIỆU
Trong khoảng thời gian 30 năm trở lại đây, để gia tăng cơ hội thành công cho một chu kỳ điều trị, kích thích buồng trứng (KTBT) được áp dụng một cách phổ biến, nhằm mục đích tăng số lượng nang noãn được chiêu mộ, từ đó, tăng số trứng chọc hút và số phôi hình thành. Vai trò của KTBT ngày càng trở nên quan trọng, với nhiều phác đồ và nhiều loại thuốc được sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc kích thích buồng trứng cũng có những nguy cơ nhất định, nhất là hội chứng quá kích buồng trứng. Đây là một tình trạng buồng trứng đáp ứng quá mức với thuốc kích thích, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng và gia tăng chi phí điều trị.(1) Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), do có sự hiện diện của nhiều nang thứ cấp.(2)
Kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm là một kỹ thuật trong đó trứng được chọc hút ở giai đoạn chưa trưởng thành (GV), và được nuôi cấy trong các môi trường chuyên biệt cho đến khi hoàn toàn trưởng thành (MII). Các giai đoạn tiếp sau đó như tạo phôi, nuôi cấy phôi diễn ra như một chu kỳ TTTON thông thường. Như vậy, trong kỹ thuật IVM, KTBT là hoàn toàn không cần thiết hay chỉ cần kích thích nhẹ (priming) với liều thấp và trong thời gian ngắn, do đó, nguy cơ QKBT hoàn toàn không xảy ra. Về cơ bản, kỹ thuật này can thiệp vào khâu đầu tiên của qui trình TTTON, đó là thu được trứng để làm TTTON. Trước nay, để thu được trứng, người ta phải sử dụng rất nhiều nội tiết tố để tiêm cho người phụ nữ trong thời gian dài (thường là 4 tuần) để giúp các nang noãn phát triển. Phác đồ kích thích buồng trứng này là nguyên nhân dẫn đến các nhược điểm chính của TTTON. Do đó, thay vì phải tiêm thật nhiều thuốc vào cơ thể người phụ nữ để giúp trứng phát triển và trưởng thành, người ta lấy các trứng từ các nang nhỏ ở buồng trứng và nuôi cấy giúp trứng tự trưởng thành trong môi trường bên ngoài cơ thể mà không cần phải kích thích buồng trứng và theo dõi việc kích thích buồng trứng.Trường hợp IVM đầu tiên được báo cáo trên thế giới là vào năm 1991.(3) Tuy nhiên, IVM chỉ thật sự được phát triển mạnh và được xem là hướng phát triển tương lai của TTTON trong khoảng thời gian gần đây, khi có sự tiến bộ đáng kể trong các khâu kỹ thuật lâm sàng cũng như môi trường labo.(4) Kỹ thuật IVM có thể được áp dụng cho tất cả các đối tượng bệnh nhân có chỉ định làm TTTON như phụ nữ lớn tuổi, đáp ứng kém với KTBT, chất lượng phôi xấu với TTTON thông thường, TTTON-xin trứng(5)…, tuy nhiên, nhóm bệnh nhân thành công cao nhất và có nhiều lợi ích nhất từ IVM là những người có hội chứng buồng trứng đa nang. Kết quả của những nghiên cứu gần đây đều cho thấy không có sự khác biệt về cân nặng lúc sanh, sự phát triển tâm thần, thể chất và vận động của nhóm trẻ sinh ra từ kỹ thuật IVM so với nhóm trẻ sinh ra từ các chu kỳ TTTON và tự nhiên.(6-8) IVM hiện đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt mạnh ở các nước như Canada, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và các nước Bắc Âu. Số trẻ sinh ra từ kỹ thuật IVM trên thế giới hiện trên 900 bé. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều năm gần đây, một số trung tâm lớn đã đầu tư triển khai thực hiện IVM, nhưng do chưa xây dựng được phác đồ phù hợp dẫn đến thất bại do tỉ lệ thành công thấp.
Tại Việt Nam, kỹ thuật TTTON đã được triển khai thành công từ năm 1997, đến nay, cả nước đã có 10 trung tâm TTTON được thành lập với số chu kỳ điều trị khoảng 3000-3500/năm. Số trường hợp hội chứng buồng trứng đa nang chiếm khoảng 35% bệnh nhân. Những bệnh nhân này thuộc nhóm nguy cơ cao bị QKBT nếu KTBT, ngay cả với những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất. Có những trường hợp QKBT muộn, để đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người mẹ, buộc lòng phải phá thai. Bên cạnh đó, khoảng 2/3 chi phí điều trị TTTON là do việc KTBT, đây là một gánh nặng khá lớn cho bệnh nhân trong tình hình hiện tại, nếu chưa kể đến các chi phí do thời gian đi lại kéo dài, theo dõi xét nghiệm nhiều lần. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã triển khai áp dụng kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm tại Việt Nam từ năm 2006, và đã thành công ngay trường hợp đầu tiên. Hai em bé đầu tiên của kỹ thuật IVM tại Việt Nam (sinh đôi) ra đời vào ngày 2/5/2007. Đến nay, tại Việt Nam đã có 42 trẻ ra đời từ IVM, đứng hàng thứ 7 trên thế giới (Chian, 2008, số liệu chưa công bố). Nghiên cứu này được chúng tôi thực hiện nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của chương trình IVM đầu tiên tại Việt Nam.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CứU
1. Thiết kế nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng không nhóm chứng.
2. Đối tượng nghiên cứu
Tất cả bệnh nhân đến khám hiếm muộn tại IVF Vạn Hạnh có chỉ định làm TTTON, có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm và trong thời gian từ tháng 10/2007 đến tháng 04/2008.
3. Yếu tố đánh giá kết quả
Hiệu quả của kỹ thuật được đánh giá bằng các chỉ số: Số trứng chọc hút trung bình, tỷ lệ trứng trưởng thành sau nuôi cấy, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi phân chia, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ làm tổ của phôi.
4. Phương pháp tiến hành
Bệnh nhân sau khi được giải thích, tư vấn về các lợi ích cũng như rủi ro của kỹ thuật sẽ ký cam kết đồng ý tham gia nghiên cứu.
– Vào ngày đầu vòng kinh (tự nhiên hay nhân tạo), bệnh nhân được siêu âm để loại trừ các nang cơ năng. Đến ngày thứ 8 hoặc 9 của kỳ kinh, tiêm 100 đơn vị recFSH (Puregon 300 IU, Schering Plough, Việt nam) mỗi ngày, trong vòng 3 ngày.
– Vào ngày tiếp theo, tiêm 10.000 đơn vị hCG (Pregnyl 5000 IU, Organon) sau khi siêu âm. Sau đó 38 đến 40 giờ, tiến hành chọc hút các nang nhỏ ở buồng trứng để thu trứng. Trứng được chọc hút bằng máy, sử dụng kim chuyên dụng loại hai nòng (Kitazato, Nhật).
– Trứng được trưởng thành trong môi trường IVM (Medicult, Đan Mạch) trong điều kiện 6% CO2, 5% O2, 89% N2 trong vòng 26-28 giờ. Chúng tôi sử dụng môi trường cấy phức tạp nhiều thành phần, có pha thêm huyết thanh của chính phụ nữ thực hiện điều trị và FSH, hCG và hormon tăng trưởng (GH) cần thiết cho sự phát triển của trứng.
– Sau đó kiểm tra số trứng trưởng thành vào 26-28 giờ sau. Trứng trưởng thành sẽ được tiêm tinh trùng vào bào tương để thụ tinh. Quá trình nuôi cấy phôi diễn ra như trong các trường hợp TTTON bình thường, sử dụng hệ thống môi trường của Medicult. Phôi được chuyển vào buồng tử cung hai ngày sau đó.
– Hỗ trợ làm tổ của phôi được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân sử dụng phối hợp estradiol 6 mg/ngày (Progynova 2 mg, Schering, uống) và progesterone 90 mg/ngày (dạng gel bơm âm đạo, Crinone 9%, Serono).
– Thử thai 14 ngày sau chuyển phôi. Nếu kết quả thử dương tính, bệnh nhân sẽ được tiếp tục sử dụng estradiol và progesterone như trên đến khi thai được 10–11 tuần. Siêu âm thai sẽ được tiến hành 3 tuần sau thử thai.
KẾT QUẢ
Trong thời gian nghiên cứu từ tháng 10/2007 đến tháng 04/2008 có 104 bệnh nhân tham gia, với tổng số chu kỳ chọc hút trứng là 104 chu kỳ. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 30,4 tuổi. Các chi tiết khác về đặc điểm bệnh nhân được tóm tắt trong bảng 1.
Các chi tiết về kỹ thuật được tóm tắt trong bảng 2. Tỷ lệ thai lâm sàng trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 29,8%, với tỷ lệ làm tổ là 8,6%.
Có 21,9% số trường hợp có phôi dư để trữ sau chuyển phôi, với số phôi trữ trung bình là 0,98 ± 2,3. Trong số 31 trường hợp có thai, có 24 trường hợp đơn thai, 6 trường hợp song thai và 1 trường hợp tam thai (đã được giảm thai an toàn). Các thai kỳ vẫn đang phát triển bình thường.
Bảng 1. Đặc điểm bệnh nhân
Đặc điểm | Giá trị | Khoảng |
Tuổi trung bình | 30,4 | 23 – 41 |
Thời gian vô sinh trung bình (năm) |
4,4 |
1 – 12 |
Loại vô sinh | ||
– Nguyên phát | 55,8% (58/104) | |
– Thứ phát | 44,2% (46/104) |
Bảng 2. Kết quả điều trị
Các chỉ số | Giá trị |
Số chu kỳ chọc hút | 104 |
Số trứng chọc hút trung bình | 14,5 ±7.3 |
Tỷ lệ trứng trưởng thành | 72,3% |
Tỷ lệ thụ tinh bình thường | 71,2% |
Tỷ lệ phôi phân chia | 89,2% |
Số chu kỳ chuyển phôi | 104 (100%) |
Số phôi trung bình | 6,6 ± 4.8 |
Số phôi tốt trung bình | 2,9 ± 1.2 |
Số phôi chuyển trung bình | 4,2 ± 1.3 |
Tỷ lệ thai lâm sàng | 29,8% (31/104) |
Tỷ lệ làm tổ của phôi | 8,6% (39/453) |
Bảng 3. Kết quả thực hiện IVM tại một số trung tâm lớn trên thế giới (8,11,12)
McGill, Canada | Infertility Medical Center of Cha, Hàn Quốc | Maria Infertility, Hàn Quốc | The family Federation of Finland, Phần Lan | |
Số chu kỳ | 254 | 203 | 419 | 239 |
Số trứng chọc hút | 11,9 ± 6.2 | 15,5 ± 8.2 | 16,4 ± 7.1 | 8,0 ± 5.2 |
Tỷ lệ trứng trưởng thành (%) | 78,8 | 55,3 | 73,2 | 58,6 |
Tỷ lệ thụ tinh (%) | 69,2 | 75,1 | 79 | 51,3 |
Tỷ lệ phôi phân chia (%) | 89,9 | 88 | – | – |
Số phôi chuyển trung bình | 3,4 ± 0.9 | 5,0 ± 2.1 | 4,3 ± 0.9 | – |
Tỷ lệ thai lâm sàng (%) | 24 | 21,9 | 32,7 | 26,6 |
Tỷ lệ làm tổ (%) | 11,1 | 5,5 | 11,6 | 18,5 |
BÀN LUẬN
Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi em bé đầu tiên từ TTTON ra đời. Từ đó đến nay, nhiều cải tiến đã được áp dụng nhằm gia tăng cơ hội thành công của một chu kỳ TTTON, trong đó, đáng kể nhất là việc áp dụng kích thích buồng trứng (KTBT) một cách thường quy. KTBT là việc sử dụng các gonado-tropin nhằm tăng sự chiêu mộ các nang noãn thứ cấp ở đầu chu kỳ, từ đó, tăng số trứng chọc hút được, và như vậy, bệnh nhân có thể có nhiều phôi hơn. Tuy nhiên, phác đồ kích thích buồng trứng để thực hiện TTTON hiện nay vẫn có một số nhược điểm lớn như chi phí cho thuốc kích thích buồng trứng cao (chiếm 60-70% chi phí điều trị TTTON tại Việt Nam); biến chứng quá kích buồng trứng nặng chiếm từ 1-5%,(9) trong một số trường hợp rất nặng nề, có thể nguy hiểm đến tính mạng và việc điều trị rất tốn kém, phức tạp; và kích thích buồng trứng kéo dài, việc theo dõi trong quá trình điều trị khiến người bệnh mất thời gian, phải đi lại nhiều lần (siêu âm, thử máu…).
Kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm được giới thiệu nhằm góp phần giải quyết các nhược điểm trên của phác đồ TTTON truyền thống. Đây là một kỹ thuật đang được giới khoa học trong lãnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới tập trung nghiên cứu từ nhiều năm nay, và trường hợp thành công đầu tiên trên thế giới được công bố vào năm 1991.(3) Chỉ đến thời gian gần đây, với những tiến bộ của khoa học, IVM mới được xem là hướng phát triển tương lai của TTTON. IVM hiện đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt mạnh ở các nước như Canada, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, các nước Bắc Âu với tỷ lệ thành công khá cao (bảng 3).
Tuy nhiên, phác đồ IVM vẫn còn nhiều điểm cần phải được cải tiến do tỷ lệ làm tổ của phôi còn thấp hơn so với TTTON thông thường.(10) Để đạt được các tỷ lệ có thai như trên, đa số các trung tâm phải tăng số phôi chuyển cao hơn so với các trường hợp TTTON bình thường. Điều này được đa số ý kiến cho rằng cần thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu thêm về quá trình trưởng thành của trứng, nhất là giai đoạn trưởng thành về tế bào chất.
Ngoài ra, với bất kỳ một kỹ thuật nào thì sự an toàn của các trẻ sinh ra đều là mối bận tâm lớn của các nhà khoa học. Các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy các không có sự khác biệt về các chỉ số sản khoa, sự phát triển về tâm thần, thể chất và vận động của các trẻ sinh ra từ IVM so với TTTON thường quy, cũng như khi so sánh với nhóm dân số bình thường.(7,8)
Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều năm gần đây, một số trung tâm lớn đã đầu tư triển khai thực hiện IVM, nhưng đều thất bại do chưa xây dựng được phác đồ phù hợp dẫn đến tỉ lệ thành công thấp. Riêng tại Việt Nam, từ năm 2006, IVM đã được chúng tôi triển khai thành công. Chúng tôi đã thành công ngay từ trường hợp đầu tiên và hai bé song thai đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời vào tháng 5/2007. Hiện nay, Việt Nam là nước đi đầu khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật IVM. Kết quả nghiên cứu chúng tôi trên 104 chu kỳ cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng đạt được là 29,8%, đây là con số rất khả quan khi so sánh với kết quả của các trung tâm dẫn đầu trên thế giới về IVM (bảng 3). Từ năm 1991 đến nay, đã có trên 900 trẻ ra đời từ IVM trên thế giới. Với gần hai năm triển khai, số trẻ sinh ra từ kỹ thuật này tại Việt Nam là 42 trẻ, xếp hàng thứ 7 trên thế giới (Chian, 2008-số liệu chưa công bố).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, số lần tái khám của bệnh nhân trung bình là 2,5 lần với tổng thời gian điều trị trung bình là 16 ngày. Đây là những con số rất có ý nghĩa khi chúng ta so sánh với số lần tái khám trung bình là 4,5 và tổng thời gian điều trị kéo dài đến 4 tuần lễ với TTTON thông thường. Như vậy, bên cạnh lợi điểm là không có trường hợp QKBT nào được ghi nhận trong nghiên cứu, kết quả chúng tôi đã chứng minh được một ưu điểm nổi trội khác của IVM, đó là tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sự thành công của chương trình, bên cạnh yếu tố quan trọng hàng đầu là vấn đề nhân sự có khả năng nắm bắt được các kỹ thuật cao, với khả năng làm việc độc lập cũng như theo nhóm, có thể còn do sự góp phần của các yếu tố sau:
1. Lựa chọn đối tượng bệnh nhân phù hợp
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiện nay, IVM có thể được chỉ định cho hầu hết các trường hợp có chỉ định can thiệp bằng kỹ thuật TTTON thường quy như bệnh nhân lớn tuổi, đáp ứng kém với KTBT, các chu kỳ TTTON-xin trứng.(11-14) Tuy nhiên, tương tự TTTON thường quy, sự thành công của một chu kỳ IVM phụ thuộc rất lớn vào số trứng thu được.(13) Do đó, trong nghiên cứu này, chúng tôi triển khai IVM trên nhóm bệnh nhân có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm, điều này cũng được khẳng định trong các nghiên cứu khác.(10) Đây cũng là nhóm bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ rất cao với QKBT khi sử dụng thuốc KTBT, do việc tiên lượng đáp ứng với thuốc sử dụng là rất khó khăn.
2. Phác đồ lâm sàng hiệu quả
Việc sử dụng FSH để “mồi” buồng trứng hiện còn nhiều tranh cãi. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi sử dụng FSH với liều 150 IU trong thời gian ngắn (3 ngày), tỷ lệ trứng thu được cao hơn so với nhóm không sử dụng FSH trước đó.(14) Ngoài ra, sử dụng FSH cũng làm tăng tỷ lệ trưởng thành sau nuôi cấy, tỷ lệ phôi phân chia cũng như làm tổ. Tuy nhiên, các kết quả này lại không được tìm thấy trong một số nghiên cứu khác. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ sử dụng FSH ở liều là 100 IU/ngày.
Trái ngược với FSH, sử dụng hCG trước khi tiến hành chọc hút được hầu hết nghiên cứu cho thấy có những tác động có lợi trên tỷ lệ trứng trưởng thành.(15) Thời gian tiêm hCG đến khi chọc hút trứng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả thành công.(16) Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành chọc hút trứng trong vòng khoảng 38-40 tiếng sau tiêm hCG.
Việc sử dụng FSH và hCG cũng có thể có tác động có lợi trên nội mạc tử cung. Nghiên cứu cho thấy khi tiến hành IVM cho những bệnh nhân PCOS, nhóm bệnh nhân có sử dụng FSH có tỷ lệ có thai cao hơn nhóm không sử dụng FSH.(14) hCG cũng có thể làm tăng sự đồng bộ giữa nội mạc tử cung và phát triển của phôi. Nghiên cứu cho thấy sử dụng hCG làm tăng độ dày nội mạc tử cung và tăng tỷ lệ làm tổ của phôi trong các chu kỳ TTTON-xin trứng.(17) Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng ghi nhận kết quả tương tự (số liệu chưa công bố). Tuy nhiên, tác động này của hCG còn chưa rõ cơ chế.
Ngoài ra, như đã đề cập, tỷ lệ thành công của TTTON thường quy cũng như của IVM phụ thuộc rất lớn vào số trứng thu nhận được.(13) Trong nghiên cứu của chúng tôi, số trứng trung bình thu được là 14,5. Bên cạnh việc lựa chọn đối tượng bệnh nhân, kỹ năng của người chọc hút trứng cũng như việc lựa chọn áp lực phù hợp khi chọc hút có ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội thành công của kỹ thuật.(18)
3. Phác đồ labo ổn định
Trứng chưa trưởng thành thường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với trứng chọc hút từ các chu kỳ có KTBT, hơn nữa, trong dịch nang chọc hút ra thường lẫn máu và các tế bào rất nhiều, làm công tác tìm trứng khó khăn hơn. Thời gian trứng càng ở lâu bên ngoài thì khả năng bị tổn thương càng cao. Với phác đồ chúng tôi xây dựng trong nghiên cứu này, trung bình thời gian cho một ca IVM, từ lúc chọc hút trứng đến khi trứng được cho vào môi trường LAG là vào khoảng 30 phút. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng môi trường có sẵn từ Medicult, và phải pha thêm một số chất như FSH, LH, huyết thanh bệnh nhân và GH.
Thời điểm kiểm tra trưởng thành và làm ICSI cũng có thể là một nguyên nhân góp phần vào thành công của nghiên cứu. Đa số các tác giả báo cáo sẽ kiểm tra độ trưởng thành của trứng vào 3 thời điểm: (1) ngay sau khi chọc hút, khoảng 24 tiếng và 48 tiếng sau chọc hút, với kết quả cho thấy những trứng nào trưởng thành sau 24 giờ sẽ có khả năng phát triển tốt hơn (4). Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ kiểm tra một lần vào 26-28 tiếng sau cấy. Điều này cũng giúp làm giảm thời gian trứng phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài và đơn giản hóa phác đồ labo.
Ngoài ra, như đã đề cập, IVM chỉ khác TTTON thường quy ở cách thức lấy trứng cũng như giai đoạn phát triển của trứng sau chọc hút. Sau khi đã trưởng thành trong môi trường in vitro, toàn bộ quá trình tạo phôi, nuôi cấy phôi và chuyển phôi đều tương tự TTTON thường quy. Như vậy, việc xây dựng được một phác đồ tạo phôi và nuôi cấy phôi là một khâu rất quan trọng để có thể có một tỷ lệ thành công cao và ổn định trong việc triển khai kỹ thuật IVM.
Tóm lại, sử dụng IVM để thay thế việc kích thích buồng trứng trong TTTON là một tiến bộ lớn trong lãnh vực hỗ trợ sinh sản. Việc áp dụng thành công IVM ở Việt Nam chứng tỏ trình độ chuyên môn, khả năng làm chủ kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ mới nhất trong y học vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam của đội ngũ cán bộ y tế nước nhà. Mặc dù bắt đầu thực hiện TTTON trễ 10-15 năm so với các nước trong khu vực, hiện chúng ta đã có thể vượt qua các nước lân cận ở một số kỹ thuật điều trị chuyên sâu và hiện nay, Việt Nam là nước đi đầu khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật này. Với kỹ thuật IVM, người dân Việt Nam hiện đã có cơ hội tiếp cận với các thành tựu mới nhất trong lãnh vực hỗ trợ sinh sản với giá thành thấp hơn, an toàn hơn và thuận tiện hơn. Mặc dù tỉ lệ thành công nói chung hiện nay của IVM chưa thể so sánh với phác đồ TTTON có kích thích buồng trứng, kỹ thuật IVM vẫn đặc biệt có ý nghĩa khi chi phí TTTON vẫn còn khá cao so với thu nhập của đại đa số người Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Whelan JG, Vlahos NF (2000) The ovarian hyperstimulation syndrome. Fertil Steril;73:883-96.
2. MacDougall MJ, Tan SL, Balen A et al (1993) A controlled study comparing patients with and without PCO undergoing in vitro fertilization. Hum Reprod; 8:233-7
3. Cha KY, Koo JJ, Ko JJ et al (1991) Pregnancy after in vitro fertilization of human follicular oocytes collected from non-stimulated cycles, their culture in vitro and transfer in a donor program. Fertil Steril; 55: 109-13
4. Barnes FL (2007). The first step in the era of human in vitro oocyte maturation. In Tan SL, Chian RC, Buckett WM (eds). In vitro maturation of human oocytes: Basic science to clinical application. Informa Healthcare, UK, p231
5. Liu J, Lim JH and Chian RC (2007) IVM as an alternative for poor responders. In Tan SL, Chian RC, Buckett WM (eds). In vitro maturation of human oocytes: Basic science to clinical application. Informa Healthcare, UK, p333
6. Mikkelsen AL, Ravn SH, Lindenberg S (2003) Evaluation of newborns delivered after in vitro maturation. Hum Reprod;8:xviii
7. Buckett WM, Chian RC, Barrington K et al (2004) Obstetric, neonatal and infant outcomes in babies conceived by IVM: initial 5-year results 1998-2003. Fertil Steril;82 (Suppl 2):S133
8. Cha KY, Chung HM, Lee DR et al (2005) Obstetric outcome of patients with polycystic ovary syndrome treated by in vitro maturation and in vitro fertilization–embryo transfer. Fertil Steril;83:1461–5
9. Navot D, Bergh PA, Laufer N (1992) Ovarian Hyperstimulation Syndrome in novel reproductive techniques. Fertil Steril;58:249-61.
10. Antoine T, Nelly AF, Estelle F et al (2007) How do we improve implantation rate following in vitro maturation of oocytes? In Tan SL, Chian RC, Buckett WM (eds). In vitro maturation of human oocytes: Basic science to clinical application. Informa Healthcare, UK, p319
11. Chian RC, Bucket WM, Abdul Jalil AK et al (2004) Natural in vitro fertilization combined with IVM of immatured oocytes. Fertil Steril;82:1675-8
12. Soderstrom-Anttila V, Makinen S, Tuuri T et al (2005) Favorable results with insemination of in vitro matured oocytes from unstimulated patients. Hum Reprod;20:1534-40.
13. Liu J, Lu G, Qian Y et al (2003) Pregnancies and births from IVM in poor responders undergoing stimulation in IVF cycles. Fertil Steril;80:447-9.
14. Le DA, Kadoch IJ, Bourcigaux N et al (2005) In vitro oocyte maturation for the treatment of infertility associated with PCOS: the French experience. Hum Reprod;20:420-4.
14. Mikkelsen AL, Lindenberg S. (2001) Benefit of FSH priming of women with PCOS to the IVM procedure and the outcome. Reproduction;122:587-92
15. Chian RC, Buckett WM, Tan SL (2004) In vitro maturation of human oocytes. Reprod Biomed Online;8:148-66
16. Son WY, Chung JT, Chian RC et al (2008) A 38 h interval between hCG priming and oocyte retrieval increases in vivo and in vitro oocyte maturation rates in programmed IVM cycles. Hum. Reprod. Advance Access published June 12.
17. Tesarik J, Hazout A, Mendoza C (2003) LH affects uterine receptivity independently of ovarian function. Reprod Biomed Online;7:59-64.
18. Tan SL, Child TJ, Gulekli B (2002) In vitro maturation and fertilization of oocytes from unstimulated ovaries: predicting the immature oocytes retrieved by early follicular phase ultrasonography. Am J Obstet Gynecol;186:684-9.