Menu Đóng

HIV/AIDS: Nữ giới dễ bị nhiễm hơn

Hoạt động tình dục là một trong 3 con đường lây nhiễm căn bệnh chết người AIDS và đây cũng chính là con đường lây nhiễm có nguy cơ cao nhất so với con đường truyền máu và từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng trong những người có hoạt động tình dục không an toàn thì tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm HIV cao hơn nam giới từ 2 đến 4 lần.

Phụ nữ bị nhiễm HIV như thế nào?

HIV lây truyền qua sự tiếp xúc với máu hoặc tinh dịch của người đã nhiễm HIV. Do đó có thể xảy ra khi có quan hệ tình dục hoặc dùng chung kim tiêm với người đã nhiễm HIV (nghiện hút, tiêm chích dễ bị lây nhiễm HIV). 50% phụ nữ bị nhiễm HIV là từ bạn tình vì phụ nữ thường e ngại yêu cầu bạn tình dùng bao cao su. Khi một phụ nữ có quan hệ tình dục với một nam giới đã bị nhiễm HIV thì người phụ nữ đó có nguy cơ cao bị nhiễm HIV nếu không dùng bao cao su một cách đúng quy định.

Những ai dễ có nguy cơ bị nhiễm HIV?

Vào thời kỳ đầu của đại dịch HIV, sự lây nhiễm HIV hình như chỉ giới hạn ở một số nhóm người như tiêm chích ma túy, tình dục đồng giới nam và những người bị bệnh ưa chảy máu (bệnh về đông máu cần phải truyền máu nhiều lần). Ngày nay không còn lo lây nhiễm qua truyền máu nữa vì đã có xét nhiệm kiểm tra. Tuy nhiên lây nhiễm HIV vẫn lan tràn mạnh hơn vì những lý do như quan hệ tình dục bừa bãi, dùng chung kim tiêm để chích ma túy, người bị bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng, quan hệ với bạn tình đã nhiễm HIV… Vì phần lớn những người mới nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh nên chỉ có xét nghiệm mới biết ai đã nhiễm. Cách phòng lây nhiễm HIV tốt nhất là không quan hệ tình dục với ai cả hoặc chỉ quan hệ tình dục với bạn tình đã biết chắc không nhiễm HIV. Tránh tiếp xúc với máu và dùng chung kim tiêm.

Phụ nữ bị nhiễm HIV lây truyền cho nam giới như thế nào?

HIV có trong dịch xuất tiết ở âm đạo và trong máu cho nên có thể lây truyền qua những vết sây sát nhỏ trên da của dương vật khi quan hệ tình dục quá mạnh mẽ, thô bạo hoặc lây truyền trực tiếp vào lỗ niệu đạo nam giới (miệng sáo). Vài ngày trước hoặc sau hành kinh hoặc giữa kỳ kinh có thể có máu trong dịch xuất tiết ở âm đạo nhưng không nhìn thấy. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục, giang mai, nhiễm chlamydia cũng làm cho sự lây nhiễm HIV dễ dàng hơn.

Nhiễm HIV ở nữ có khác với nam giới không?

Cũng giống như nam giới về loại HIV, về thời kỳ ủ bệnh (trong nhiều năm), về sự hủy hoại dần dần hệ thống miễn dịch và về cách điều trị nhưng nữ dễ bị nhiễm HIV hơn nam giới. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng trong những người có hoạt động tình dục không an toàn thì tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm HIV cao hơn nam giới từ 2 đến 4 lần. Nguyên nhân là vì bề mặt niêm mạc bộ phận sinh dục nữ tiếp xúc với tinh dịch nam giới có HIV rộng hơn và trong tinh dịch nam giới cũng chứa nhiều HIV hơn trong niêm mạc âm đạo của phụ nữ. Vì thế sự lây nhiễm từ nam sang nữ dễ xảy ra hơn. Các em gái càng dễ lây nhiễm hơn nữa vì cổ tử cung chưa trưởng thành và sự bài tiết dịch ở âm đạo ít cho nên giảm khả năng ngăn cản sự xâm nhập của HIV. Phụ nữ vào tuổi mãn kinh, bài tiết dịch ở âm đạo giảm đi nên cũng dễ nhiễm. Những hành động tình dục thô bạo gây chảy máu hay gây xước niêm mạc âm đạo càng làm tăng khả năng lây nhiễm. Những nguyên nhân sinh học nói trên không phải không dự phòng được nhưng chính nguyên nhân xã hội và kinh tế mới là những nguyên nhân khó giải quyết, vì phụ nữ nhiều nơi không tiếp cận được với các dịch vụ y tế – xã hội, vì không có quyền tự chủ, do lệ thuộc vào kinh tế, không có quyền quyết định về sinh đẻ, tình dục và vì thế họ trở thành đối tượng để nhiễm HIV do các ông chồng đem về.

Làm thế nào để phụ nữ chống lại được sự lây nhiễm HIV?

Tổ chức phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) đã đưa ra một thông điệp gồm 6 điểm để bảo vệ phụ nữ khỏi bị lây nhiễm HIV, tóm tắt như sau: Các em gái được đi học, hiểu biết về chính cơ thể mình. Tiếp cận dễ dàng với dịch vụ phòng tránh HIV/AIDS. Phát triển phương pháp phòng tránh mà phụ nữ chủ động sử dụng được. Giáo dục nam thanh niên biết tôn trọng bạn gái, có ý thức trách nhiệm trong hành vi tình dục. Nâng cao sự độc lập về kinh tế cho phụ nữ. Xây dựng các thể chế nhà nước nhằm giúp đỡ phụ nữ.

BS. Ðào Xuân Dũng
(SK&ĐS)

Bài liên quan