Menu Đóng

Hàm lượng folate có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng

CNSH. Tăng Kim Hoàng Văn

Các nhà khoa học Mỹ – thuộc Đại học California, Berkey và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkley – đã phát hiện có thể có mối liên hệ giữa chế độ ăn có hàm lượng folate thấp và sự bất thường của tinh trùng ở nam giới. Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng rằng chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ khả năng sinh sản của Nam giới.

Folate là một dạng vitamin nhóm B được tìm thấy trong nhiều thực phẩm tự nhiên như: các loại trái cây họ cam, quýt, các loại rau lá có màu xanh đậm (súp lơ, rau cần, rau diếp) và trong các loại đậu. Dạng tổng hợp của folate là acid folic, có thể được bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ở phụ nữ, hàm lượng folate cao đã được chứng minh giúp ngăn ngừa thai dị tật, nhưng đây là lần đầu tiên người ta phát hiện thấy folate có khả năng hỗ trợ sinh sản ở nam giới. Hàm lượng folate trung bình hằng ngày cho phép (RDA) ở người là 200 microgam, và 400 microgam cho phụ nữ mong muốn có thai và trong suốt thai kì.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí sinh sản người (Human Reproduction), chọn từ 89 đàn ông khỏe mạnh, không hút thuốc, có độ tuổi từ 20 đến 80. Các nhà khoa học ghi nhận thông tin về chế độ ăn uống và nguồn thức ăn bổ sung của những người này, họ thấy rằng những người đàn ông ăn thức ăn có hàm lượng folate cao (từ 722 đến 1150 microgam/ngày) có tinh trùng bất thường thấp hơn 20 – 30% so với những người đàn ông ăn thức ăn có hàm lượng folate thấp.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy dạng “thể dị bội” trong tinh trùng. Thể dị bội là một bất thường về số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào. Nếu những tinh trùng bất thường này thụ tinh với trứng, kết quả là thai có thể có sai biệt về số lượng nhiễm sắc thể, một vài bất thường trong số đó có thể làm rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Thể dị bội cũng có thể có nguy cơ gây sẩy thai tự phát trong suốt thai kỳ.

Các nhà nghiên cứu nhắm tới các nhiễm sắc thể cụ thể, nhiễm sắc thể 21, X và Y. Những nhiễm sắc thể này có liên hệ với là các dạng đột biến phổ biến của thể dị bội ở thai nhi.

Brenda Eskenazi, giáo sư dịch tể học và sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Trường y tế cộng đồng UC Berkley, đồng tác giả chính của cuộc nghiên cứu nói rằng “Trong các nghiên cứu trước đây, chúng tôi và những người khác đã chỉ ra rằng lượng vi chất dinh dưỡng mà người cha nhận được có thể làm tăng khả năng có thai bằng cách cải thiện chất lượng tinh trùng. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng chế độ ăn uống của cha có thể đóng vai trò trong sự phát triển khỏe mạnh của con cái về sau.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng hiện vẫn chưa có chứng cứ kết luận, và cả nam giới và phụ nữ nên nhìn nhận nghiêm túc lại chế độ ăn uống và lối sống của mình khi muốn có con . Hút thuốc, uống rượu quá mức và chế độ ăn không cân bằng được cho là ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản.

Tại Mỹ, acid folic đã được bổ sung vào bánh mì, bột mì, ngũ cốc từ năm 1998 để đảm bảo phụ nữ có đủ hàm lượng folate theo khuyến cáo. Tại Anh, quyết định việc có hay không bổ sung acid folic vào bánh mì và bột mì sẽ được đưa ra vào năm tới.

Theo www.careivf.com