Để có thể đưa được đứa con yêu quý từ bụng mẹ chào gặp cuộc đời, người phụ nữ phải trải qua nhiều cảm giác khó có thể nào quên. Bởi lẽ đó, người mẹ nào cũng mơ ước có thể trải qua cuộc vượt cạn nhẹ nhàng, ít đau và dễ chịu hơn. Nhờ những tiến bộ trong Khoa học Y Học, ước mơ đó ngày nay đã thành hiện thực.
Có nhiều phương pháp giúp giảm đau khi chuyển dạ. Hiện nay, gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ là phương pháp an toàn, hiệu quả, làm giảm cảm giác đau cho thai phụ. Phương pháp này được áp dụng từ thập niên 90 của thế kỷ trước và tại Việt Nam chúng ta cũng đã thực hiện từ lâu.
* “SANH KHÔNG ĐAU” LÀ GÌ?
Đây là kỹ thuật giảm đau sản khoa với phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Bác sĩ Gây mê sẽ đặt một dây truyền nhỏ sau lưng thai phụ, vào khoang ngoài màng cứng. Qua đó, thuốc tê sẽ được truyền liên tục giúp thai phụ giảm hẳn cảm giác đau khi chuyển dạ.
* LỢI ÍCH CỦA GIẢM ĐAU SẢN KHOA
– Làm giảm cảm giác đau trong lúc sinh (chuyển dạ)
– Giúp thai phụ không kiệt sức vì đau
– Hỗ trợ tiến triển cuộc chuyển dạ sinh tốt hơn
– Giúp thai phụ có sức rặn sinh tốt hơn, có thể cho con bú sớm sau sinh
– Giúp cuộc chuyển dạ nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là với các thai phụ có bệnh lý về tim mạch, hen suyễn, huyết áp…
– Ngoài ra phương pháp này còn giúp giảm đau khi làm các thủ thuật sau sinh (bóc nhau, may tầng sinh môn…)
Tuy nhiên, cũng như bất cứ kỹ thuật xâm lấn nào vào cơ thể, giảm đau với gây tê ngoài màng cứng cũng có tiềm ẩn những nguy cơ, tai biến, biến chứng nhất định:
– Dị ứng thuốc, sốc thuốc, ngộ độc thuốc tê
– Tụ máu ngoài màng cứng
– Nhức đầu do thủng màng cứng
– Tê toàn bộ tủy sống
– Nhiễm trùng
– Tổn thương thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động chân
– Những ảnh hưởng khác có thể có: nôn ói, bí tiểu, lạnh run…
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng này cần được thực hiện bởi các bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu. Để trong quá trình thực hiện và theo dõi chuyển dạ, nếu xảy ra tai biến được xử trí kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.
* GIẢI ĐÁP CÁC THẮC MẮC THƯỜNG GẶP CỦA THAI PHỤ & NGƯỜI NHÀ KHI TIẾP CẬN PHƯƠNG PHÁP NÀY
1. Thuốc tê có làm ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh hay không?
Trả lời: Không. Thuốc được sử dụng trong giảm đau sản khoa có nồng độ rất thấp, không gây ảnh hưởng đến bé.
2. Chọn “sanh không đau”, thai phụ sẽ sinh thường hay sinh mổ?
Trả lời: Thai phụ sẽ được theo dõi sinh thường trong suốt thời gian chuyển dạ, như mọi cuộc sinh khác. Nếu không thuận lợi, bác sĩ sẽ chỉ định sinh giúp hoặc chuyển sinh mổ (phẫu thuật mổ lấy thai).
3. Thuốc tê có ảnh hưởng gì đến thai phụ không?
Trả lời: Sau khi giảm đau, thai phụ có thể bị tụt huyết áp thoáng qua, chóng mặt, buồn nôn, hai chân tê nặng. Khi đó, thai phụ cần báo cho hộ sinh và bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp & kịp thời.
4. Ai là người thích hợp với phương pháp “sanh không đau”?
Trả lời: Hầu như tất cả các thai phụ đều có thể thực hiện phương pháp này, trừ những người có bệnh lý về cột sống, nhiễm trùng toàn thân, dị ứng thuốc tê…
5. Quá trình giảm đau được thực hiện trong bao lâu?
Trả lời: Thuốc tê sẽ được duy trì cho đến khi thai phụ sinh xong.
6. Giảm đau sản khoa có gây đau lưng sau sinh không?
Trả lời: Chưa có nghiên cứu nào ghi nhận đau lưng sau sinh do phương pháp giảm đau này gây nên. Đau lưng sau sinh có rất nhiều nguyên nhân: biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sanh… Nếu có đau tại vị trí tiêm sẽ tự hết sau 48 giờ.
7. Cần lưu ý những vấn đề gì khi lựa chọn phương pháp này?
Trả lời: Thai phụ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Một tư thế tốt sẽ giúp thủ thuật được tiến hành nhanh và an toàn hơn, hiệu quả giảm đau sẽ nhanh chóng hơn.
8. Giảm đau sản khoa có nguy hiểm không?
Trả lời: Như bất cứ thủ thuật nào khác, giảm đau sản khoa cũng có những biến chứng và một vài tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, tỷ lệ này xảy ra chỉ rất thấp.