Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng cho thấy: Liệu pháp estrogen ngắn hạn gây ra thay đổi tế bào trong đường tiết niệu giúp cải thiện khả năng chống lại nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI – urinary tract infection).
Nghiên cứu sử dụng estrogen trong 2 tuần ở phụ nữ chưa mãn kinh và sau mãn kinh cho thấy có liên quan với sự gia tăng các peptide kháng khuẩn. Estrogen làm tăng sự hiện diện và tái phân phối của protein tăng cường tính toàn vẹn tế bào biểu mô và ức chế sự mất tế bào biểu mô trong quá trình nhiễm trùng cấp tính. Hiện tại cơ chế vẫn chưa được biết rõ.
Hơn 50% phụ nữ, ít nhất một lần bị nhiễm trùng tiểu trong suốt cuộc đời của họ. Và trong 25% trường hợp, nhiễm trùng tái phát trong vòng 6 tháng, đôi khi sớm hơn hoặc tái phát liên tục. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, estrogen có thể xem như yếu tố nguy cơ nhiễm trùng. Ngược lại, mức độ estradiol thấp ở phụ nữ sau mãn kinh có liên quan với nhiễm trùng tái phát. Bên cạnh đó, nồng độ các peptide kháng khuẩn thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ sau mãn kinh (P = 0.007), nồng độ chất cathelicidin tương quan với nồng độ estradiol huyết thanh (P = 0,01), cho thấy estrogen ảnh hưởng đến cathelicidin và peptide kháng khuẩn.
Để xác định ảnh hưởng của estradiol trên cathelicidin trong tế bào biểu mô đường tiết niệu, Brauner và cộng sự, 2013, thu thập các tế bào từ mẫu nước tiểu được cung cấp bởi 16 phụ nữ mãn kinh. Họ đánh giá biểu hiện của năm peptide kháng sinh bởi các tế bào trước và sau khi dùng estrogen bổ sung trong 2 tuần. 12 trong số 16 trường hợp, có ít nhất ba trong số năm peptide tăng lên sau dùng estrogen. Trong 8 phụ nữ, có bốn hoặc tất cả năm peptide tăng sau khi bổ sung estrogen. Mức độ tăng có ý nghĩa thống kê đã được tìm thấy cho các peptide hBD3, hBD2, và psoriasin. Tuy nhiên nhóm nguyên cứu không đánh giá chất cathelicidin vì biểu hiện thấp và không thể đánh giá có ý nghĩa thống kê hay không. Tiếp xúc với estradiol dẫn đến gia tăng đáng kể hBD1, hBD2, RNase7, và cathelicidin, chứng minh rằng estradiol thực sự có thể có tác dụng trên đường tiết niệu.
Estradiol thúc đẩy chức năng hàng rào bảo vệ của biểu mô bằng cách tăng cường các tế bào liên kết. Trong một mô hình chuột cái nhiễm trùng tiểu với E.coli, nhóm nghiên cứu kiểm tra ảnh hưởng của estrogen lên sự phát triển của vi khuẩn. Trong nhiễm trùng cấp tính, tải lượng vi khuẩn đã được tăng lên đáng kể ở chuột cắt bỏ buồng trứng so với chuột có buồng trứng còn nguyên vẹn. 7 ngày sau nhiễm trùng, tải lượng vi khuẩn ở bàng quang đã giảm xuống mức trước khi có nhiễm trùng. Ở những con chuột bị cắt buồng trứng có lượng vi khuẩn còn sót lại lớn hơn đáng kể, cho thấy tăng nguy cơ nhiễm trùng tái phát. Thêm vào đó, các thụ thể chính làm trung gian giúp kết dính E. coli và xâm nhập vào đường tiểu là Uroplakin Ia (UPIa) và beta-1 integrin. Phụ nữ có kinh nguyệt bình thường tăng lượng UPIa so với phụ nữ mãn kinh, cho thấy ảnh hưởng của estrogen. UPIa ở phụ nữ sau mãn kinh tăng lên khi bổ sung estrogen.
Do đó cần bổ sung estrogen ngắn hạn có lợi cho phụ nữ sau mãn kinh bị nhiễm trùng tiểu tái phát nhưng việc sử dụng dài hạn có tác động lên tình trạng nhiễm trùng tiểu như thế nào cần được nghiên cứu thêm.
BS. Tăng Quang Thái
Tài liệu tham khảo
Luthe P et al “Estrogen supports urothelial defense mechanisms” Sci Transl Med 2013; 5: 190ra80.
Hannan TJ, et al “Estrogen and recurrent UTI: What are the facts?” Sci Transl Med 2013; 5: 190fs23.