CSS.IVF là gì ?
CSS.IVF là chữ viết tắt của cụm từ Counselling and Support Services of In vitro fertilization, nghĩa là dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho người thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm. Dịch vụ này bao gồm nhiều khía cạnh trong đó khía cạnh giải toả tâm lý cho người tham gia Thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những bước quan trọng.
Vì sao cần có CSS.IVF ?
Sinh sản được xem là nhu cầu cơ bản của con người. Khi gặp trục trặc về vấn đề này, chúng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bản thân bệnh nhân và người phối ngẫu. Đặc biệt trong vấn đề hiếm muộn, “khao khát” có con ảnh hưởng đến hi vọng, kế hoạch tương lai, cuộc sống hôn nhân, sức khỏe…
Nghiêm trọng hơn, các vấn đề như: mất niềm tin, buồn khổ, giận dữ, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, trầm cảm… xuất hiện lặp đi lặp lại ngày càng nhiều và khó đoán trước khi bệnh nhân tham gia quá trình khám, điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản đang chạy đua ráo riết với nhau về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, nhận lực với mục tiêu nâng cao tỉ lệ thành công dưới góc độ kết quả mà quên mất vai trò“trung tâm” của bệnh nhân.
Chúng ta quá chú trọng vào “kỹ thuật cao” (hi-tech), trong khi bệnh nhân cần được chuẩn bị về mặt kiến thức, tâm lý, kỹ năng cần thiết để hiểu và vượt qua những thời khắc khó khăn trong, trước và sau quá trình điều trị.
Trong điều trị hiếm muộn, IVF được xem là giai đoạn căng thẳng nhất với 80% bệnh nhân làm IVF được xếp vào loại bị tress từ mức độ “nặng” cho tới “trung bình”. Hơn thế nữa, ở những chu kỳ thất bại, hầu hết các cặp cho biết bị trầm cảm cấp tính, kèm theo triệu chứng giận dữ, lo âu nhiều tuần lễ sau đó.
Chính vì vậy, CSS.IVF trở nên vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân.
Có thể tìm thấy CSS.IVF ở đâu?
Câu trả lời là khó tìm thấy một dịch vụ như thế tại Việt Nam.
Lý do không phải các bác sĩ lâm sàng, các nhà quản lý kinh tế y tế không nhận ra chuyện này, mà do chính họ không đánh giá cao tầm quan trọng của nó. Và còn ưu tiên nhiều hơn cho các hoạt động mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn.
Thêm vào đó, những chuyên ngành bổ trợ cho mô hình CSS.IVF cần kể đến như tâm lý học, xã hội học, khoa học hành vi, tình dục học, … vẫn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam. Điều này một phần cản trở sự hoàn thiện của CSS.IVF
Đứng trước bối cảnh như thế, tại Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Hùng Vương, một mô hình CSS.IVF đã ra đời. Mục tiêu hoạt động của dịch vụ này là mong muốn loại bỏ những lo âu, stress, tăng tỉ lệ thành công, giảm tỉ lệ bỏ điều trị và tăng tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân.
Mô hình này đã và đang được đưa vào phục vụ cho các bệnh nhân hiếm muộn.
Quy trình hoạt động của CSS.IVF – Bệnh viện Hùng Vương
Thông thường bệnh nhân hiếm muộn khi thực hiện IVF phải trải qua các giai đoạn sau:
(1)Trước làm IVF: cảm thấy lo âu, trầm cảm, stress, kém tự tin…do không hiểu về qui trình điều trị, thiếu thông tin tình trạng bệnh của mình và phương hướng điều trị.
(2)Trong khi làm IVF: mức độ căng thẳng, lo âu…ngày càng tăng cao tỉ lệ thuận với: tần suất siêu âm, lấy máu xét nghiệm, chích thuốc, vào ngày chọc hút, chuyển phôi.
(3)Sau làm IVF: giai đoạn chờ kết quả là căng thẳng nhất. Đặc biệt là khi bệnh nhân không thành công.
Dựa vào cơ sở vật chất, nhân sự hiện tại, chương trình được chia làm 2 giai đoạn:
1-Trước khi thực hiện IVF:
a-Cung cấp kiến thức cơ bản về ART: qui trình IVF, kỹ thuật, tỉ lệ thành công, pháp lý, nguy cơ, chăm sóc bản thân…(thông qua: video clip, powerpoint, tờ rơi…)
b-Tư vấn, trang bị kỹ năng đối đầu với những khó khăn về mặt tâm lý, xã hội, hôn nhân-gia đình, tài chính, văn hoá, tôn giáo, tình dục, tác dụng phụ thuốc, biến chứng…
c-Lớp trang bị kỹ năng thư giãn (bài tập thư giãn) và ứng phó với stress.
d-Cung cấp kênh thông tin: bệnh nhân-bệnh nhân, bệnh nhân-nhân viên y tế, trang mạng thông tin về IVF, tờ rơi, poster, đường dây nóng.
2-Trong và sau khi thực hiện IVF:
a-Hỗ trợ bệnh nhân đối đầu, vượt qua những khó khăn trong quá trình điều trị: tác dụng phụ của thuốc, chích thuốc, lấy máu, siêu âm, chọc hút trứng, chuyển phôi, lựa chọn phương thức điều trị…
b-Hỗ trợ, tư vấn trực tiếp những khó khăn về mặt tâm lý, xã hội, hôn nhân-gia đình, tài chính, văn hoá, tôn giáo, tình dục…
c-Tư vấn cuộc sống sau điều trị hiếm muộn: khi thất bại, khi thành công (mang thai, xảy thai, đa thai, phụ nữ đơn thân…)
Thông tin thêm, khung hoạt động của mô hình này được xây dựng dựa trên tham khảo những mô hình của nước ngoài.
BS. Tăng Quang Thái