BS. Tăng Quang Thái
Theo ORGYN.com
Sự lựa chọn phôi trong Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) còn tồn tại nhiều bàn cãi. Vấn đề tranh cãi ở đây không chỉ liên quan đến đạo đức mà còn liên quan đến việc làm thế nào để sự lựa chọn này thực hiện một cách chính xác và có hiệu quả (mặc dù hầu hết các nước hiện nay đã chấp nhận nguyên tắc giảm tỉ lệ đa thai bằng cách chuyển ít phôi có thể sống được vào tử cung hơn).
Từ những ngày đầu của TTTON, phôi đã được chọn bằng phương pháp đánh giá hình thái, và ngày nay hình thái học vẫn giữ vai trò quan trọng đối với các phòng lab TTTON. Dù là ở mỗi trung tâm các nước hay hệ thống quốc tế thì sự phân loại phôi mang tiêu chuẩn quốc tế chưa được giới thiệu, thì hình thái học vẫn còn phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan về số tế bào phân chia, tính đồng nhất của phôi, và tỷ lệ phân mảnh.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có mối tương quan rất cao giữa chuyển phôi ngày 3 và tỷ lệ có thai, nhưng một số khác thì cho là không có tương quan này, và trong đó vẫn tồn tại điều nghịch lý chưa thể giải thích được, đó là một lượng lớn phôi được phân loại ở mức cao lại thất bại trong khi làm tổ – hoặc ngay cả quá trình trở thành những phôi ở giai đoạn blastocyst được phân loại ở mức cao. Hơn một thập kỷ trước, một nghiên cứu từ Hà Lan đã cho thấy chỉ có 47 % những phôi có chất lượng tốt ở ngày thứ 3 đạt đến giai đoạn blastocyst ( ngược lại với 21 % phôi chất lượng kém), trong đó 45 % phôi nhóm 1 – 2 và 69 % phôi nhóm 3 – 4 ngưng phát triển hoặc bị thoái hoá [1].
Do có sự bất ổn định của hình thái học, các nhà nghiên cứu mong đợi có thêm những xét nghiệm khách quan hơn kiểm tra khả năng sống của phôi dựa trên tình trạng của nhiễm sắc thể. Gần 20 năm trước, Munné và cộng sự ở Mỹ đã chỉ ra rằng có 70% phôi phát triển một cách không bình thường bao gồm cả những sai lạc trong việc sắp xếp của 5 nhiễm sắc thể được kiểm tra, và 29% phôi có hình thái bình thường nhưng sau đó được phát hiện là bất thường số lượng nhiễm sắc thể[2,3]. Bất thường số lượng nhiễm sắc thể được phát hiện dựa trên một kỹ thuật mới FISH (fluorescent in situ hybridization), kỹ thuật này đã được thiết kế để phân tích 5 cặp nhiễm sắc thể người thường dẫn đến rối loạn số lượng nhiễm sắc thể. FISH có nhiều lý do để trở thành bước đầu trên con đường đi đến thành công của các nhà phôi thai học, đó là một xét nghiệm khách quan, có thể nhận dạng phôi nào có thể đưa vào thụ tinh.
Những nghiên cứu mô tả với quy mô nhỏ đầu tiên rất đáng khích lệ.Những phụ nữ có tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể cao nhất (những người phụ nữ lớn tuổi và những người đã TTTON thất bại trước đó …) dường như có cải thiện tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu phôi được sàng lọc trước khi chuyển bằng phương pháp FISH. Tuy nhiên, có ít nhất 10 thử nghiệm ngẫu nhiên sau đó đã bị thất bại, không cho thấy lợi ích mà thậm chí có một nghiên cứu còn chỉ ra những tác động ngược lại của FISH [4].
Chỉ trong vòng chưa đầy vài tháng FISH không còn được chú ý đến trong sàng lọc phôi thai. Những thiếu xót còn tồn tại của nó là nguyên nhân dẫn đến những kết quả kém trong khi thử nghiệm, điều đó bao gồm những tác động bất lợi về mặt sinh học (1 hoặc 2 tế bào bị loại ra khỏi phôi để đem đi phân tích), rất có thể kết quả khi phân tích tế bào đơn này không đủ đế phản ánh tình trạng tổng thể của phôi (ví dụ trong tình trạng thể khảm) và FISH không có khả năng sàng lọc đầy đủ tất cả các loại nhiễm sắc thể.
Nhưng thay vào đó, có một bước tiến mới với kỹ thuật phân tích nhiễm sắc thể mới toàn diện hơn, đó là CGH (phép lai tạo gen có so sánh – comparative genomic hybridization), theo báo cáo từ 2 nghiên cứu mới đây, những kỳ vọng lại được khơi dậy trong nỗ lực đi tìm chân lý của những nhà phôi thai học.
Trước hết, một nghiên cứu thử nghiệm được quản lý bởi Hội Sinh sản và Phôi thai học Châu Âu (ERHRE), đã được thiết kế để kiểm tra tính khả thi của phân tích thể cực ( không có phôi) bằng chuỗi CGH nhằm sàng lọc trước khi chuyển phôi. Nghiên cứu đã được báo cáo để đạt đến điểm giới hạn về mặt lâm sàng. Từ việc đánh giá đầu tiên 23 cặp nhiễm sắc thể, các nhiễm sắc thể này đã được kiểm tra cả 2 thể cực bằng CGH, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phân tích có thể hoàn tất trong khoảng thời gian 12-13 giờ (do đó vẫn cho phép thực hiện việc chuyển phôi tươi), và việc xác định chính xác tình trạng nhiễm sắc thể của noãn bào là có thể thực hiện với gần 90% mẫu thử [5].
Trong khi trình bày kết quả của nghiên cứu tại buổi họp thường niên của ESHRE vào tháng 6, Giáo sư Joep Geraedts đã nói: “Với những khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phôi thai không có sức sống, chúng tôi hy vọng phương pháp này trong tương lai sẽ cải thiện kết quả trong hỗ trợ sinh sản, đặc biệt ở những bà mẹ lớn tuổi”. Ông đã cho biết thêm “Lợi thế của việc sinh thiết thể cực là không có nhiều dạng tế bào để hình thành thể khảm trong giai đoạn này, và sinh thiết không phải là một thủ thuật quá xâm lấn.”
Hơn 2 tháng sau đó, một nhóm nghiên cứu làm việc tại Oxford (Anh quốc) và New Jersey, Colorado (Mỹ) báo cáo kết quả IVF đã được cải thiện với những cặp vợ chồng có tiên lượng kém vì những kết quả thất bại liên tiếp trong việc làm tổ. Trong những trường hợp khó khăn này, phân tích CGH được thực hiện hoặc trên các thể cực (như trong nghiên cứu của ESHRE) hoặc từ tế bào lá nuôi phôi được tách ra từ blastocyst của những bệnh nhân được đánh giá là những đối tượng tốt cho việc chuyển phôi.[6] Một lần nữa, mục tiêu của nghiên cứu là để xác định và chỉ chuyển những phôi bình thường về mặt di truyền sau khi sàng lọc CGH cho tất cả nhiểm sắc thể, và điều này dẫn đến có tổng cộng 117 hợp tử thông qua việc sinh thiết thể cực thứ nhất và thứ 2, và 78 blastocyst thông qua việc sinh thiết tế bào nuôi.
Kết quả đã cho thấy tỉ lệ bội thể ở tế bào noãn (phân tích thể cực) và blastocyst (phân tích trophectoderm) lần lượt là 65.5% và 45.2%, với những bất thường ảnh hưởng đến tất cả các nhiễm sắc thể được tìm thấy.
Tỉ lệ làm tổ | Tỉ lệ có thai | |
Sinh thiết thể cực |
11,5 % | 21,4 % |
Sinh thiết phôi nang và CGH | 58,3 % | 69,2 % |
Những nhà nghiên cứu đã phát biểu một cách khiêm tốn rằng “Sàng lọc nhiễm sắc thể toàn diện có thể hỗ trợ bệnh nhân bị thất bại liên tục trong việc làm tổ có thể tạo ra tế bào blastocyst và mang thai”
Do đó, với những kết quả CGH đạt được trong thời gian gần đây, có 2 xu hướng đang được quan tâm hiện nay: 1 xu hướng là thay đổi từ sinh thiết tế bào ở giai đoạn phôi phân chia thành sinh thiết thể cực và phôi ở giai đoạn blastocyst và 1 xu hướng khác là thay đổi từ FISH thành CGH làm kỹ thuật sàng lọc phôi trước khi chuyển phôi.
Tài liệu tham khảo:
1. Rijnders PM, Jansen CA. The predictive value of day 3 embryo morphology regarding blastocyst formation, pregnancy and implantation rate after day 5 transfer following in-vitro fertilization or intracytoplasmic sperm injection. Human Reproduction 1998; 13: 2869-73.
2. Munne S, Lee A, Rosenwaks Z, Cohen J. Diagnosis of major chromosome aneuploidies in human preimplantation embryos. Human Reproduction 1993; 8: 2185-91.
3. Munne S, Sultan KM, Weier HU, et al. Assessment of numeric abnormalities of X, Y, 18, and 16 chromosomes in preimplantation human embryos before transfer. American Journal of Obstetrics and Gynecology 1995; 172: 1191-1201.
4. Mastenbroek S, Twisk M, van Echten-Arends J, et al. In vitro fertilization with preimplantation genetic screening. New England Journal of Medicine 2007; 357: 9-17.
5. Geraedts J. Results from the polar body proof of principle study. European Society of Human Reproduction and Embryology annual meeting; Rome, Italy: 27-30 June 2010.
6. Fragouli E, Katz-Jaffe M, Alfarawati S, et al. Comprehensive chromosome screening of polar bodies and blastocysts from couples experiencing repeated implantation failure. Fertility and Sterility 2010; 94: 875-87