Vô sinh do không có tinh trùng là trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch. Không tinh trùng thường chia làm hai loại: do tắc nghẽn và không do tắc nghẽn. Trong trường hợp không tinh trùng do tắc, tinh hoàn vẫn sinh tinh bình thường nhưng tinh trùng không thể ra bên ngoài. Nguyên nhân thường gặp là do bẩm sinh, nhiễm trùng đường sinh dục hoặc do thắt ống dẫn tinh. Phương pháp điều trị vô sinh không tinh trùng do tắc nghẽn phổ biến hiện nay trên thế giới là phẫu thuật lấy tinh trùng và thực hiện ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).
Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration-MESA)
MESA là phương pháp thu tinh trùng bằng phẫu thuật ở mào tinh, đầu tiên được áp dụng thành công ở những người không tinh trùng do bất sản hai ống dẫn tinh bẩm sinh. Với kỹ thuật này, tinh hoàn sẽ được bộc lộ và qua đó, tinh trùng từ các ống tuyến trong mào tinh sẽ được thu thập. Tỷ lệ thành công trong việc thu được tinh trùng bằng MESA thường từ 90% trở lên.
Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration-PESA)
So với MESA, PESA là một phương pháp ít xâm lấn hơn, có thể được thực hiện với gây tê tại chỗ, với tỷ lệ thành công khoảng 65%. Lợi điểm của PESA là ít xâm lấn, có thể thực hiện được nhiều lần, đơn giản hơn và mẫu tinh trùng thu được thường ít lẫn máu và xác tế bào. Do đó, PESA là một trong những phương pháp nên chọn lựa đầu tiên ở những trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn.
Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút (Testicular Sperm Aspiration-TESA)
Đây là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện và có thể không cần gây mê toàn thân. Dùng kim đâm xuyên qua da vào mô tinh hoàn và hút tinh trùng ra. Ở những người sinh tinh bình thường, tỷ lệ thu được tinh trùng trên 80%.
Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn (Testicular Sperm Extraction-TESE)
Kỹ thuật này tương tự sinh thiết tinh hoàn trong chẩn đoán. Ở những bệnh nhân có rối loạn quá trình sinh tinh, tỷ lệ thu được tinh trùng vào khoảng 50%. Những đối tượng này, nên sử dụng kỹ thuật TESE hơn là TESA do thu được tinh trùng nhiều hơn. Hơn nữa, một trong những lợi điểm của TESE là có thể trữ lạnh mẫu mô tinh hoàn để sử dụng sau này.
Tóm lại
Điều trị vô sinh cho những cặp vợ chồng không tinh trùng có thể được thực hiện bằng cách lấy tinh trùng từ mào tinh (MESA, PESA) hay tinh hoàn (TESA, TESE). Điều trị thường phối hợp với ICSI để tăng tỉ lệ thành công. Tỉ lệ thành công trong điều trị thường cao ở những trường hợp không tinh trùng do tắc nghẽn. Với những kỹ thuật trên, tỉ lệ có thai tại IVF Vạn Hạnh khoảng 40%. Kỹ thuật này mở ra hy vọng mới cho những cặp vợ chồng vô sinh do không có tinh trùng, giúp họ có cơ hội có con của chính mình.
Tuy nhiên ở những trường hợp không tinh trùng do tinh hoàn giảm chức năng sinh tinh nặng (không do tắc nghẽn) khả năng lấy được tinh trùng thấp hơn, chất lượng tinh trùng kém hơn, do đó tỉ lệ thành công cũng thấp hơn đáng kể.