PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM, nói: “Hiện nay, về xác dành cho SV y khoa thực tập cũng không thiếu, mình chỉ thua các nước về những phương tiện trong học tập, đầu tư phòng thực tập kỹ năng… còn thực tập trên bệnh nhân thì tương đối dễ. Với các nước như Anh, Mỹ… thì việc SV thực tập “sờ” bệnh nhân cũng đã khó, ngay cả nhiều bác sĩ các nước sang học hỏi cũng chỉ được đứng nhìn trong một số ca phẫu thuật”.
Ảnh: Sinh viên ĐHYK Phạm Ngọc Thạch thực tập Ngoại khoa – Quang Thái
Tuy nhiên, một nữ bác sĩ là trưởng khoa của một bệnh viện lớn tại TP.HCM, tiết lộ: “Vấn đề là các thầy, các đàn anh có nhiệt tâm chỉ giảng tận tình cho các em SV thực tập hay không. Trong thực tế ở các bệnh viện, tình trạng SV thực tập cứ đi lòng vòng không làm gì nhiều, trong khi công việc có rất nhiều, bởi không có người tận tâm hướng dẫn. Bây giờ không còn giống như ngày trước nữa – trước đây các thầy chỉ chú tâm với học trò, chỉ lo giảng dạy, còn giờ thì, thời buổi cơm áo gạo tiền, bác sĩ nói chung và bác sĩ là giảng viên nói riêng “chạy sô” bệnh viện công, tư, mổ xẻ, làm thêm nhiều quá, thời gian đâu nữa, sức đâu còn mà chỉ dẫn hết mình cho các em!”.
Thực tế, nhiều trường hợp bác sĩ ở bệnh viện cũng sợ trách nhiệm, không dám để cho SV thực tập trên bệnh nhân của mình, vì sợ xảy ra tai biến, bị thưa kiện… thì người “đứng mũi chịu sào” chính là bác sĩ phụ trách bệnh nhân ấy. Bên cạnh đó, bác sĩ cho biết, nhiều người bệnh rất khó tính, họ không chấp nhận để SV và cả bác sĩ thực tập “thao tác” những thủ thuật y khoa trên cơ thể mình.
Chúng tôi cũng đã từng gặp trường hợp tại bệnh viện, một nữ bệnh nhân không chấp nhận sự hiện diện của một bác sĩ thực tập trong lúc chị được một bác sĩ của bệnh viện tư vấn bệnh cho mình; hay có bệnh nhân không đồng ý để SV truyền dịch cho mình.
Có trường hợp phẫu thuật, nếu gây mê bệnh nhân không còn biết gì nữa, thì SV hay bác sĩ thực tập “làm gì làm”, nhưng có trường hợp gây tê, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong lúc mổ, thì họ yêu cầu không để người thực tập làm cho mình!
Thanh Tùng