“Tôi hoàn toàn không cho phép bạn trai mình hiến tặng tinh trùng. Nghĩ đến việc một phụ nữ khác đang mang thai đứa con của anh ấy, tôi không thể chấp nhận được” – một nữ sinh viên chia sẻ với tờmột nữ sinh viên chia sẻ với tờ Shanxi Daily.
Việc sinh viên hiến tinh trùng đã làm dấy lên nhiều thảo luận ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Đàn ông hiện đang có một động cơ để hào phóng với tinh trùng của mình. Những ngân hàng tinh trùng lớn của Trung Quốc hiện đang đưa ra chính sách trợ cấp một số tiền cho những người hiến tinh trùng. Sinh viên chiếm 90% những người hiến tinh trùng ở Trung Quốc.
Thông thường, một người đàn ông có thể được đề nghị hiến tặng 10 lần và số tiền hỗ trợ là 300 nhân dân tệ (46 USD) cho mỗi lần hiến tặng. Tổng số tiền nhận được lên tới 3.000 nhân dân tệ (460 USD) – bằng với học bổng mà một sinh viên xuất sắc có thể nhận được trong một năm. Ở Giang Tô, số tiền hỗ trợ có thể lên tới 4.000 nhân dân tệ.
Trong khi, học phí trung bình hàng năm của một sinh viên Trung Quốc vào năm 2008 là khoảng 5.000 tệ. Thu nhập trung bình hàng năm vào năm 2009 của một người dân thành thị là 18.858 tệ (2.700 USD), một người dân nông thôn là 5.153 tệ (752USD).
Một số người hiến tặng cho rằng đó là một hành động tốt. Song một số người khác làm điều này đơn giản chỉ vì một chiếc iPad hay một chiếc di động mới. Số tiền 3.000 tệ hoàn toàn là một yếu tố có thể khiến sinh viên do dự.
Ông Tang Lixin – giám đốc một ngân hàng tinh trùng ở Quảng Đông – nhấn mạnh rằng hiến tặng tinh trùng không tương đương với việc bán tinh trùng. Những người hiến tặng nhận khoản tiền này chỉ đơn giản như một khoản hỗ trợ cho chi phí đi lại và ăn uống của họ. Hiến tinh trùng là một cách để giúp đỡ người khác. Hơn nữa, do các vấn đề về đạo đức, một tình nguyện viên có thể chỉ hiến tặng một lần trong đời. Tinh trùng của anh ta chỉ được phép thụ thai cho 5 phụ nữ.
Tại sao chọn sinh viên?
Kể từ năm 2010, Ngân hàng tinh trùng Quảng Đông đã huy động sinh viên hiến tặng tinh trùng khoảng 2 tuần một lần trong những ngày nghỉ. Cho đến nay, đã có khoảng 2.000 sinh viên tham gia chương trình này.
“Sinh viên của ĐH Công nghệ Nam Trung Quốc đã tham gia nhiệt tình đến mức họ đã vượt quá chỉ tiêu trong năm ngoái” – ông Feng tiết lộ.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ vô sinh của Trung Quốc đã tăng đến 10% trong số các cặp vợ chồng.
Cách đây 5 năm, điều tra của các ngân hàng tinh trùng ở những cặp vợ chồng muốn thụ tinh nhân tạo cho thấy 3 mối quan tâm hàng đầu của họ là chiều cao, quê quán và trình độ giáo dục của người hiến tặng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 10 ngân hàng tinh trùng. Ngoại trừ nhóm máu và chiều cao, họ không được cung cấp bất kì thông tin nào.
Ông Wang Wei – một bác sĩ của một ngân hàng tinh trùng ở tỉnh Giang Tô – cho biết những yêu cầu tối thiểu đối với người hiến tặng là: cao trên 1,65m và hiện đang theo học các trường đại học hoặc cao đẳng. “Chúng tôi quyết định từ chối yêu cầu hiến tặng của những nhân viên toàn thời gian”.
Theo ông, sức khỏe của một nhân viên toàn thời gian thường kém hơn sinh viên do những căng thẳng và trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh lây lan qua đường tình dục của họ là cao hơn sinh viên khi họ đã bước ra xã hội.
Người hiến tặng nói gì?
Một sinh viên vừa hiến tặng tinh trùng cách đây không lâu cho biết chuyện này không có gì lạ.
“Những đứa trẻ được thụ tinh nhân tạo đã phổ biến trong vài năm gần đây. Chúng được xã hội chấp nhận.” Tuy vậy, anh không định sẽ nói cho gia đình biết chuyện này. “Thế hệ trước có những suy nghĩ khác. Họ sợ điều đó sẽ gây ra những xáo trộn”.
Một sinh viên khác lại rất thẳng thắn: “Tôi đã làm mất điện thoại. Tôi cần mua một chiếc mới”. Cậu cho biết, ban đầu cậu không cảm thấy thoải mái. Nhưng sau đó cậu cảm thấy rất ‘bình thường’.
Một người khác lại chia sẻ trải nghiệm này trên diễn đàn của trường. Cậu cho biết, thực sự không dễ dàng gì trong lần đầu tiên. Nhưng sau đó, cậu cảm thấy ổn, sự vụng về hầu như đã biến mất.
* Nguyễn Thảo (Tổng hợp)