Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 ghi nhận nhiều tiến bộ y học có tính chất đột phá và 125 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực y tế trên khắp thế giới đã thống nhất chọn ra 5 tiến bộ y học có ảnh hưởng nhất thập kỷ.
1. Xây dựng thành công bản đồ hệ gen người
Năm 2000, các nhà khoa học trong Dự án Hệ gen người quốc tế đã công bố phác thảo về toàn bộ các gen ở người và đăng tải trên internet. Lần đầu tiên, cả thế giới có thể download và đọc một cách đầy đủ nhất thông tin vào toàn bộ gen người.
Bản đồ gen người đã được đầu tư thời gian và tiền bạc từ những năm 90 của thế kỷ 20 với 2 nhóm thực hiện: Dự án Hệ gen người do chính phủ tài trợ, dự kiến hoàn thành trong 10 năm với số tiền lên tới 2,5 tỉ đô la và công ty Celera Genomics chi hơn 100 triệu đô la trong gần 1 thập kỷ để thực hiện nghiên cứu độc lập này.
Cả 2 nhóm đều cùng công bố phác thảo về hệ gen người vào 26/6/2000 tại cuộc họp báo với sự tham dự của Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Anh Tony Blair. “Đó là một bước ngoặt lớn tương tự như sự kiện con người bước đi trên mặt trăng”, TS Francis Collins, Giám đốc Viện nghiên cứu Gen người quốc gia cho biết khi bản đồ gen được hoàn thành.
Năm 2004, phác thảo “cuối cùng” đã được công bố bởi các nhà nghiên cứu và năm 2007, đã có sự bổ sung bởi TS Craig Venter, giám đốc khoa học công ty Celera Genomics.
Với việc xây dựng thành công bản đồ hệ gen người, chúng ta có quyền tin vào tương lai với những loại thuốc và những liệu pháp mới hiệu quả và ít độc với cơ thể người hơn.
2. Sự ngoạn mục trong nghiên cứu tế bào gốc
Có lẽ chưa có lĩnh vực nào kích thích trí tưởng tượng và khơi gợi sự tranh luận trong cộng đồng như việc nghiên cứu tế bào gốc.
Mặc dù bị vướng phải những lệnh cấm nhưng những tiến bộ trong nghiên cứu tế bào gốc là không thể phủ nhận. Ví như các nhà nghiên cứu châu Âu đã tách các tế bào tủy xương từ 2 cậu bé 7 tuổi và rồi cấy tế bào đã được biến đổi vào cơ thể 2 cậu bé này để điều trị bệnh ALD (bệnh liên quan đến não gọi là liên kết giới tính X).
Nhà nghiên cứu tế bào gốc TS George Daley của bệnh viện Nhi Boston gọi quá trình nghiên cứu tế bào gốc ở cả phôi thai và người trưởng thành trong thập kỷ này là sự “ngoạn mục”.
Mới đây nhất, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra 1 con chuột từ những tế bào da và điều này cho thấy khoa học trong thập kỷ qua đã thực sự tạo ra được điều kỳ diệu và chúng ta có quyền hy vọng trong thập kỷ mới này sẽ có những phương pháp điều trị mới sử dụng tế bào gốc.
3. Liệu pháp thuốc phối hợp trong điều trị AIDS
Kể từ khi xuất hiện liệu pháp điều trị kháng retroviral hoạt tính cao (HAART) năm 1996, HIV không còn là một căn bệnh chết người mà trở thành 1 căn bệnh mãn tính với cơ hội sống kéo dài tới vài thập kỷ.
Hơn thế, phương pháp “pha trộn tổng hợp” này cũng trở thành một mô hình điều trị các bệnh khác, từ ung thư phổi đến ung thư tim.
Trong suốt 1 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng tinh lọc phương pháp này để nâng cao hiệu quả điều trị. Nhờ đó, tỉ lệ tử vong do HIV đã giảm trên toàn thế giới.
4. Kỹ thuật xâm nhập tối thiểu – Cuộc cách mạng trong phẫu thuật
Cách đây 10 năm, cứ phẫu thuật nội tạng là để lại một vết sẹo dài tới 15cm nhưng công nghệ phẫu thuật mới – kỹ thuật xâm nhập tối thiểu – đã giúp người bệnh thoát khỏi nỗi ám ảnh từ các vết sẹo khủng khiếp này.
Vào cuối những năm 2000, các bác sĩ ở Bệnh viện Cleverland đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật này trong việc lấy 1 quả thận đường rốn trong một ca phẫu thuật ghép thận. Ngày nay, kỹ thuật này được áp dụng nhiều trong các phẫu thuật tử cung, buồng trứng.
Các bác sĩ phẫu thuật cũng sử dụng các rô-bốt để tăng độ chính xác của các thao tác khi phẫu thuật. Điều này đã giúp rút ngắn thời gian nằm điều trị, giảm những nguy cơ sức khỏe do mổ mở, người bệnh nhanh phục hồi.
5. Phát minh ra máy ghi hình cộng hưởng từ (MRI)
“Đọc vị” bộ óc qua từng chi tiết ở các mô mềm, nghiên cứu hoạt động của não bộ khi con người suy nghĩ, làm việc, nói; xác định những vùng liên hệ đến ý thức, trí nhớ, nghe nhạc, đọc sách, lái xe…; chỉ rõ các điểm bất thường liên hệ nhiều xáo trộn thần kinh, MRI thực sự là một cuộc cách mạng trong y học.
Ra đời vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước nhưng mãi tới năm 2003, phát minh này mới được thế giới công nhận và được trao giải Nobel. Uỷ ban Nobel ghi nhận đã có 22.000 MRI được sử dụng trên toàn cầu với hơn 60 triệu lần khám trong vào năm 2002 và nhấn mạnh tính vô hại vì không dùng tia X.
Với việc sử dụng công nghệ này, các nhà nghiên cứu hiện đã biết thêm nhiều thông tin giá trị về các bệnh như trầm cảm, ung thư não, tự kỷ, rối loạn trí nhớ và thậm chí là cả các bệnh ngoài da.
Theo Dân Trí